Hội nghị có sự tham gia của bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương, quan chức chính phủ, đại diện khu vực tư nhân, đối tác phát triển, thanh niên, cũng như các thành viên của học viện, xã hội dân sự và truyền thông từ khu vực châu Á và Thái Bình Dương cũng như trên thế giới. Trong đó, Việt Nam có 8 đại diện tham gia hội nghị, đến từ Bộ Tài chính và một số ngân hàng thương mại, viện nghiên cứu.
Là một trong những quốc gia vay nợ nhiều nhất từ ADB trong khu vực, Việt Nam cũng có 2 đại diện truyền thông được mời đến đưa tin hội nghị là Thông tấn xã Việt Nam và Báo Thanh Niên.
Trao đổi với Thanh Niên bên lề hội nghị năm ngoái tại Manila, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết: Việt Nam đang là đối tác lớn nhất của ADB ở khu vực ASEAN với tổng dư nợ vay khoảng trên 16 tỉ USD. Thống kê của ADB cho thấy các khoản vay của Việt Nam chiếm gần một nửa tín dụng của định chế này cho khu vực.
Từ năm 2019, Việt Nam không còn nhận được các khoản vay ưu đãi từ ADB, nên đây là một giai đoạn chuyển dịch quan trọng trong mối quan hệ giữa hai bên.
Hội nghị thường niên năm 2019 được tổ chức từ ngày 1 - 5.5 với chủ đề “Thịnh vượng thông qua đoàn kết”, đánh dấu lần đầu tiên sự kiện được tổ chức ở một quốc gia đang phát triển ở Thái Bình Dương. Đây cũng được biết đến là hội nghị thường niên “đắt giá” nhất của ADB vì chi phí tổ chức sự kiện tại Fiji quá cao, đặc biệt vì khoảng cách địa lý xa xôi.
Tuy nhiên, đại diện ADB cho biết định chế tài chính này quyết định tổ chức sự kiện tại đây để thế giới biết đến nhiều hơn về khu vực Thái Bình Dương cũng như những thách thức mà khu vực này đang phải đối mặt.
Hội nghị cũng tạo cơ hội cho các thống đốc ngân hàng trung ương các quốc gia thành viên của ADB thảo luận các vấn đề phát triển quan trọng và cấp bách không chỉ Thái Bình Dương mà cả châu Á đang phải đối mặt.
Một trong số các vấn đề sẽ được thảo luận tại hội nghị lần này là du lịch bền vững và tiềm năng của nó để thúc đẩy các nỗ lực phát triển quốc gia và khu vực (các quốc gia Thái Bình Dương như Fiji đang dựa chính vào du lịch để mang lại tăng trưởng); vai trò của tài chính khu vực tư nhân trong quản lý rủi ro thiên tai và khả năng phục hồi khí hậu và tầm quan trọng của các hành động để cải thiện sức khỏe đại dương.
Hội nghị cũng sẽ có các cuộc thảo luận về các cách để đối phó với sự bất ổn kinh tế toàn cầu, vai trò của công nghệ kỹ thuật số để đưa vào tài chính và các công cụ mới để phát triển cơ sở hạ tầng bền vững cùng một số chủ đề khác.
Năm 2018, ADB đã thực hiện các cam kết về các khoản vay và trợ cấp mới lên tới 21,6 tỉ USD. Được thành lập vào năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó 49 thành viên từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cho đến nay, ADB vẫn nhấn mạnh cam kết đạt được một châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, bao trùm, đàn hồi và bền vững; đồng thời, duy trì các nỗ lực của mình để xóa đói nghèo.
Bình luận (0)