Hơn 30 năm hết mình vì giọt máu hy vọng

24/07/2024 07:00 GMT+7

"Có lần, trong tình huống hiến máu cấp cứu, vợ đi công tác, tôi phải bồng con đến bệnh viện trong đêm để điều hành việc hiến máu…", đó là lời chia sẻ của ông Đoàn Văn Hòa (Phó ban Phong trào Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng) trong công tác hiến máu tình nguyện tại TP.Đà Nẵng.

Ông Đoàn Văn Hòa được nhiều người ở TP.Đà Nẵng gọi với tên thân thương "anh Hòa máu nóng". Bởi lẽ, ông là một trong những người tiên phong xây dựng và phát triển mạnh mẽ phong trào hiến máu tình nguyện ở TP.Đà Nẵng.

Gặp ông ở khu C, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, chúng tôi bất ngờ khi nhìn thấy vóc dáng nhanh nhẹn như thanh niên của người đàn ông ngoài 50 tuổi. Trên tay ông luôn thường trực chiếc điện thoại, đặc biệt, mặt lưng điện thoại của ông có một dãy khoảng 10 số điện thoại của các nhân vật quan trọng trong những tình huống hiến máu khẩn cấp.

Hơn 30 năm hết mình vì giọt máu hy vọng- Ảnh 1.

Ông Hòa là người có khả năng vận động và tập hợp đông đảo tình nguyện viên hiến máu nhân đạo tại TP.Đà Nẵng

HỮU TÚ

Hơn 30 năm hết mình vì giọt máu hy vọng- Ảnh 2.

Ông Hòa kể năm 1993 là lần đầu ông đi hiến máu tình nguyện tại Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Thời điểm đó, nhận thấy lượng máu lưu trữ ở các bệnh viện đang trong tình trạng khan hiếm, ông bắt đầu vận động người dân hiến máu tình nguyện. "Những ngày đầu, việc vận động người đi hiến máu rất khó khăn vì họ sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi phải đi từng ngóc ngách phường, xã, các doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo, trường đại học để vận động hiến máu tình nguyện …", ông Hòa kể.

Xuất phát từ công việc thiện nguyện của thanh niên cùng truyền thống "lá lành đùm lá rách" từ gia đình, ông Hòa đã có những suy nghĩ và việc làm thiết thực để giúp đỡ xã hội. Năm 2005, trong sự cố lật tàu E1 tại Lăng Cô, các nạn nhân được đưa về Bệnh viện Đà Nẵng để cấp cứu. Lúc đó, bệnh viện không có đủ đơn vị máu để cung cấp cho bệnh nhân, ông đã liên hệ với các tình nguyện viên có nhiều nhóm máu khác nhau để kịp thời ứng cứu.

Ông Hòa đã nhiều lần thuê xe, tìm người có nhóm máu phù hợp ở Đà Nẵng để "chi viện" cho bệnh viện tại Huế. Việc hiến máu không chỉ dừng lại ở một địa phương mà còn được ông lan tỏa và hỗ trợ những địa phương khác khi cần thiết.

Sau khi phong trào được lan tỏa rộng rãi, các trường đại học trên địa bàn thành phố cũng thành lập nhiều CLB hiến máu tình nguyện. Qua sự am hiểu về internet và sức lan tỏa trên mạng xã hội, CLB "Ngân hàng máu sống" được các bạn sinh viên phát triển rất mạnh mẽ.

Hiện nay, ông xây dựng nhiều đội hiến máu dự bị để chuẩn bị cho những tình huống thiếu máu khẩn cấp ở các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Khi bệnh viện gọi, ông phải có mặt trực tiếp để điều hành đội dự bị, cung cấp số lượng lớn đơn vị máu.

Chuông điện thoại reo liên tục, những cuộc gọi cắt ngang cuộc trò chuyện giữa tôi và ông. "Tôi vừa chỉ dẫn các tình nguyện viên đến địa điểm hiến máu tại bệnh viện", ông nở nụ cười rồi tiếp: "Đối với những bệnh nhân, những giọt máu là hy vọng nên điện thoại của tôi lúc nào cũng trong trạng thái hoạt động để điều hành việc hiến máu…".

Hơn 30 năm cống hiến cho xã hội, ông Đoàn Văn Hòa nhận Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" của Bộ Y tế trao tặng năm 2007, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ ngày 27.5.2016 về thành tích hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện; là gương điển hình tiên tiến được tuyên dương khen thưởng tại Đại hội thi đua yêu nước TP.Đà Nẵng lần thứ 5 giai đoạn 2015 - 2020; bằng khen của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng ngày 23.6.2022 vì thành tích xuất sắc trong công tác vận động hiến máu năm 2021.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.