Ngày 12.1, BHXH TP.HCM cho biết, hiện trên địa bàn có hơn 2,7 triệu người tham gia BHXH (tăng 3,98% so với năm 2022), hơn 2,6 triệu người đóng bảo hiểm thất nghiệp và hơn 8,7 triệu người có BHYT.
Năm 2023, TP.HCM đã giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 1,4 triệu lượt người (giảm 11,8% so với năm 2022). Trong đó, giải quyết chế độ BHXH 1 lần cho 112.759 người lao động và trợ cấp thất nghiệp cho 162.639 người.
Tổng số thu BHXH năm 2023 hơn 86.183 tỉ đồng (tăng 11% so với năm 2022). Tuy nhiên, thống kê cho thấy số tiền mà các doanh nghiệp chậm đóng BHXH trên 1 tháng (chưa tính số chậm đóng khó thu và số chậm đóng của các đơn vị thuộc Tập đoàn Vinashin, Vinalines) là hơn 3.685 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 4,04% so với tổng số thu).
BHXH TP.HCM đã thanh tra, kiểm tra 3.125 cuộc. Qua đó, đề nghị 1.531 đơn vị khắc phục số tiền nợ 312 tỉ đồng và yêu cầu các đơn vị lập thủ tục tham gia cho 842 lao động với số tiền 6,1 tỉ đồng. BHXH TP.HCM cũng ban hành 238 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BHXH, BHYT với tổng số tiền 13,1 tỉ đồng. Thế nhưng chỉ có 59 đơn vị (chiếm khoảng 25% tổng số doanh nghiệp) chấp hành quyết định xử phạt, với tổng số tiền nộp phạt là 2,2 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, hiện toàn thành phố có hơn 30.000 doanh nghiệp đang nợ BHXH trên 1 tháng. Đối với các trường hợp đơn vị chậm đóng, khó thu, BHXH TP.HCM đã khoanh vùng lại. Phía BHXH Việt Nam cũng đã họp với Bộ LĐ-TB-XH để xin ý kiến xử lý trường hợp "nợ khó đòi".
Đối với các đơn vị đang nợ BHXH, năm qua, BHXH TP.HCM áp dụng biện pháp mời lên để tuyên truyền, đôn đốc khắc phục. Nếu doanh nghiệp vẫn cố tình chây ì, không nộp thì BHXH TP.HCM thanh tra và sẽ lập biên bản hành chính, ra quyết định hoặc đề xuất UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt hành chính nếu phát hiện hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không chấp hành quyết định xử phạt. Đến khi BHXH TP.HCM thực hiện cưỡng chế thì trong tài khoản của doanh nghiệp không có tiền.
Ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc BHXH TP.HCM, cũng nêu một thực trạng rằng hiện nhiều quyết định xử phạt hành chính do lãnh đạo UBND TP.HCM ký ban hành, nhưng doanh nghiệp vẫn không chấp hành, thực hiện. Do đó, ông Hiệp cho rằng, cần phải có chế tài mạnh mẽ hơn đối với các doanh nghiệp này, nhất là những đơn vị vẫn đang hoạt động bình thường.
Ông Hiệp cho hay, về vấn đề này, BHXH TP.HCM đã có nhiều kiến nghị, qua đó hướng tới mục đích là tăng mạnh chế tài để các chủ doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Vấn đề nợ BHXH hiện nay là tồn tại trong xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi của người lao động, khiến người lao động không được chốt sổ, không được hưởng các chế độ BHXH, không được đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, không được nghỉ hưu… Tuy nhiên, cơ chế giải quyết về vấn đề nợ BHXH hiện chưa hiệu quả.
Trong bối cảnh luật BHXH năm 2014 được đưa ra thảo luận sửa đổi, ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất như quy định rõ ràng, cụ thể về trốn đóng, chậm đóng BHXH; tạm ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp nợ BHXH; xử lý "án điểm" trốn đóng BHXH để răn đe…
Bình luận (0)