Hơn 4 tiếng đồng hồ đắm chìm cùng ‘Mạnh Lệ Quân’

Hoàng Kim
Hoàng Kim
13/02/2022 06:42 GMT+7

.

Đêm 8 và 9.2 tại sân khấu Trung tâm văn hóa Q.6, TP.HCM, đoàn tuồng cổ Huỳnh Long đã biểu diễn vở Mạnh Lệ Quân với độ dài có lẽ là “kỷ lục”, khoảng 4 tiếng 15 phút, nhưng khán giả vẫn ngồi xem đầy đủ không ai bỏ về, và những tiếng cười, tràng pháo tay, lẫn hoa, ngập cả khán phòng.

Sự hồi sinh của đoàn Huỳnh Long

Huỳnh Long là đoàn cải lương tuồng cổ tầm cỡ của miền Nam, song song với đại bang Minh Tơ. Hai đoàn này đã là bệ phóng cho biết bao thế hệ nghệ sĩ trở thành nổi tiếng. Riêng Huỳnh Long đã có 3 thế hệ giữ gìn truyền thống gia tộc. Đầu tiên là ông bà Bảy Huỳnh - Ngọc Hương lập ra gánh hát bội Chánh Thành đóng đô ở khu vực cầu Muối, Q.1, Sài Gòn, hát thường trực ở đình Nhơn Hòa, Cầu Muối, nổi danh thập niên 1940 - 1950.

Nghệ sĩ Bình Tinh (Mạnh Lệ Quân) và nghệ sĩ Thái Vinh (Hoàng Phủ Thiếu Hoa)

H.K

Đến thập niên 1960, 1970 ông bà Bảy Huỳnh chuyển sang hát hồ quảng và lập tới 4 đoàn đều lấy tên Thanh Bình - Kim Mai, hai người con trụ cột chính là Bạch Mai và Thanh Bạch nổi tiếng lừng lẫy. Bạch Mai lúc đó còn lấy nghệ danh Kim Mai, sau này mới đổi. Và sau 1975, bà Bảy Huỳnh xin phép đổi tên đoàn hồ quảng Thanh Bình - Kim Mai thành đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long.

Ông bà Bảy Huỳnh có 5 người con đều theo nghề hát là Bạch Mai, Thanh Bạch, Kim Phượng, Bạch Nga, Thanh Châu, gọi là thế hệ thứ hai. Trong đó, Kim Phượng chuyên về trang phục, Thanh Châu chuyên về âm nhạc (vừa mới qua đời). Nghệ sĩ Bạch Mai rất đa tài, bà là nghệ sĩ kiêm soạn giả và đạo diễn, cũng vừa qua đời trong năm 2021, để lại khoảng 50 kịch bản vẫn được các đơn vị tái dựng. Bà Bạch Nga hiện nay cũng hơn 60 tuổi, đang kế thừa kho trang phục của bà Kim Phượng đặt tại đình Nhơn Hòa. Còn nghệ sĩ Thanh Bạch cưới nghệ sĩ Bạch Lê (chị ruột NSƯT Thành Lộc) định cư ở Pháp mấy chục năm rồi.

Như vậy gia tộc Huỳnh Long đã mất đi hầu hết trụ cột nghệ thuật, và tất cả tâm huyết giờ dồn lên vai cô đào nhỏ bé Bình Tinh, con gái út của Bạch Mai. Bình Tinh có một người anh là kép đẹp Chinh Nhân, không may qua đời quá sớm. Cuối cùng, Bình Tinh gánh hết trọng trách của thế hệ thứ ba, và không ngờ cô đã hồi sinh đoàn Huỳnh Long một cách đáng nể chính trong giai đoạn phải nói là cải lương đang rất khó khăn. Rất nhiều nghệ sĩ đàn anh, đàn chị như NSƯT Vũ Linh, NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Thoại Mỹ vô cùng thương mến cô em gái bé nhỏ này và họ đã cùng sát cánh bên cô để hồi sinh Huỳnh Long. NSƯT Hữu Quốc tâm sự: “Thương Bình Tinh đứt ruột, nên chúng tôi trở lại Huỳnh Long cũng là “mái nhà xưa” đưa tôi vào nghề, giúp tôi say đắm cải lương. Nhìn các em tất bật chuẩn bị cho vai diễn, đứa thì trật chân phải băng, đứa thì chấn thương đầu gối, vậy mà ra sân khấu quên hết đau đớn, cứ đi xuyến, cứ múa vũ đạo… Cải lương đang hồi khó khăn, chúng tôi sát cánh bên nhau trong một sự đầm ấm khó diễn tả”.

NSƯT Thoại Mỹ (Chiêu Dương hoàng hậu) và nghệ sĩ Hoàng Đăng Khoa (vai nhà vua)

Mạnh Lệ Quân thành công rực rỡ

Cuối năm 2021 Huỳnh Long hát vài suất mở đầu thăm dò, có những tín hiệu mừng, và Tết 2022 thì tái dựng vở Mạnh Lệ Quân hoàn toàn mới mẻ, rực rỡ. Khán phòng hơn 400 chỗ không còn một ghế trống, phải kê thêm ghế súp, chưa kể nhiều khán giả phải ra về vì không còn vé, và họ đã yêu cầu hát thêm suất nữa.

Nội dung vở diễn thật sự tương xứng với kỳ vọng của khán giả. Đây là kịch bản của soạn giả Ngọc Văn - Bạch Mai, trước kia Bạch Mai từng đạo diễn, bây giờ NSƯT Hữu Quốc dựng lại với màu sắc trẻ trung, hiện đại, tiết tấu nhanh, rộn ràng, hấp dẫn. Một điểm đặc biệt đáng hoan nghênh là vở diễn giảm tối đa bài bản hồ quảng, mà thay vào nhiều điệu lý quen thuộc, gần gũi tâm thức người Việt. Tuy quen thuộc, nhưng phối lại với kiểu mới, nghe rất thú vị, dễ chịu. Chỉ có vũ đạo là vẫn đẹp mắt theo kiểu hồ quảng. Và trang phục thì rực rỡ, may rất công phu, khéo léo. Bình Tinh cho biết đã đầu tư 120 triệu đồng cho toàn bộ trang phục mới, khán giả mãn nhãn.

Bình Tinh trong vai Mạnh Lệ Quân là cô đào chính tuyệt vời với sắc vóc đẹp, hơi ca khỏe khoắn, vũ đạo nhuần nhuyễn, sáng rực trên sân khấu. Bên cạnh đó là một số nghệ sĩ thân thương cùng Huỳnh Long nhiều năm trước, như NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Vũ Linh, NSƯT Hữu Quốc, vừa cất giọng lên đã khẳng định “đẳng cấp”. Nhưng đáng mừng nhất là một lực lượng diễn viên trẻ đã xuất hiện, hứa hẹn kế thừa Huỳnh Long. Các bạn rất thanh xuân, đem lại một sức sống mới cho đêm diễn. Hoàng Đăng Khoa (vai nhà vua), Thái Vinh (vai Hoàng Phủ Thiếu Hoa), Tô Tiểu Long (Hùng Hữu Hạo), Hoài Nhung (Lưu Yến Ngọc), Bảo Ngọc (Tô Ánh Tuyết), Cát Phượng (Vệ Võng Nga), bé Trọng Nhân (Giang Tấn Hỷ)…

Bình Tinh chia sẻ: “Tôi mong sân khấu Huỳnh Long sẽ đào tạo được một lớp trẻ cho mình, để cải lương được nối dài sức sống. Chính vì thế tôi phải dành đất diễn cho các bạn, để khán giả “nhớ”, thành ra thời lượng kéo dài ra”. Hay ở chỗ, khán giả của tuồng cổ rất “chịu chơi”, dài mấy cũng coi bằng hết. Nhưng thật ra, vở diễn hấp dẫn mới có thể níu chân người ta được như vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.