(TNO) Đến thăm Việt Nam trong hai tuần nhân dịp Tết Ất Mùi 2015, ông Ohsaku Eiichirou (72 tuổi, người Nhật) vẫn không quên thú đam mê chụp ảnh chim, bướm.
Ông Ohsaku Eiichirou kiên nhẫn ngồi chờ chim, bướm xuất hiện - Ảnh: Ngọc Trinh
|
Trước khi quay về Nhật Bản vào cuối tháng 2 vừa qua, ông Ohsaku cho chúng tôi xem chiến lợi phẩm của mình vừa được thực hiện tại Việt Nam: 394 bức ảnh, với 40 loài chim và 15 loài bướm.
Các bức ảnh trên được chụp tại Vườn quốc gia Cát Tiên và ở Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thống Nhất (Đồng Nai), hai công viên Gia Định và Lê Văn Tám (TP.HCM).
Trong đó, ông rất tâm đắc về những tấm ảnh ghi lại các tư thế đậu, đập cánh, bay… của những con chim bói cá.
Trải qua nhiều ngày lang thang cùng ông Ohsaku đi chụp hình, ông Nguyễn Văn Hùng (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) và anh Nguyễn Quốc Thản (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đều có chung nhận xét: Ông Ohsaku là người hết sức kiên nhẫn và chịu khó. Có những hôm ông ngồi canh hàng tiếng đồng hồ để có thể “chộp” được khoảnh khắc đẹp của con chim, cánh bướm.
Ông Ohsaku khẳng định ngắm chim, bướm và chụp hình những loài vật này là sở thích, đam mê của ông suốt hơn 45 năm qua. Điều này đã giúp ông “thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, thanh thản”.
Trong suốt thời gian đó, ông đã đi khắp nước Nhật để chụp ảnh khoảng 350 loài chim và 125 loài bướm. Ông cho biết đã tham gia trên 30 cuộc triển lãm ảnh về chim, bướm tại Tokyo, Nhật Bản.
“Chim ở Việt Nam hễ thấy người là cảnh giác rất cao và trốn rất nhanh. Tôi nghĩ, chắc là do ở đây người dân thường nuôi nhốt chim trong lồng, đặc biệt là săn bắt, ăn thịt chim. Còn ở Nhật, chim là để ngắm nhìn chứ tuyệt đối không được săn bắt, ăn thịt. Có lẽ nhờ vậy mà chim không sợ người”, ông Ohsaku so sánh.
Người đàn ông 72 tuổi này dự định sẽ gửi tặng những bức ảnh ông chụp được cho Ban quản lý Vườn quốc gia Cát Tiên.
Dưới đây là một số hình ảnh chim, bướm do ông Ohsaku Eiichirou chụp tại Việt Nam và gửi cho Thanh Niên Online:
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)