Theo CNN, bản tóm tắt pháp lý được nộp để bổ sung cho vụ kiện chống lại lệnh cấm di trú ở Hawaii và được tòa án liên bang xem xét hôm 15.3. Lệnh cấm di trú mới của ông Trump sẽ có hiệu lực từ ngày 16.3 (giờ Mỹ). Các công ty Mỹ cho rằng lệnh cấm nhập cảnh được sửa đổi của Tổng thống là vi hiến và không tốt cho hoạt động kinh doanh.
“Lệnh cấm di trú mới của Tổng thống Trump không có gì khác. Nó sẽ gây thiệt hại đáng kể, không thể khắc phục đối với doanh nghiệp và nhân viên công ty Mỹ”, hồ sơ tòa án cho hay. Người đứng đầu chính sách toàn cầu Chris Lehane của hãng Airbnb cho biết: “Cấm người khác nhập cảnh vào Mỹ chỉ vì quê quán của họ là không đúng”.
Tổng cộng có 58 công ty đã ký tên vào hồ sơ kiện ban đầu. Justin Kazmark, phát ngôn viên của hãng Kickstarter, cho biết sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp khác tham gia, trong đó có Uber và Thumbtack. Dù vậy, các hãng công nghệ đầu ngành vẫn chưa góp mặt. Apple, Facebook, Google và Microsoft chưa trả lời yêu cầu bình luận từ báo giới.
Tháng trước, bốn hãng công nghệ lớn này tham gia cùng hơn 100 doanh nghiệp khác trong cuộc chiến pháp lý chống lệnh cấm di trú của ông Trump. Lệnh cấm đầu tiên cấm công dân từ bảy nước chủ yếu theo đạo Hồi nhập cảnh vào Mỹ. Lệnh cấm được sửa đổi này không bao gồm Iraq và các cá nhân là thường trú nhân hợp pháp của Mỹ, có thị thực hợp lệ để nhập cảnh.
Một nhóm nhỏ giám đốc điều hành các hãng công nghệ đã lên tiếng chống sắc lệnh cập nhật ngay sau khi nó được công bố. Logan Green, nhà sáng lập kiêm CEO Lyft, cho biết: “Hãng Lyft chắc chắn chống sắc lệnh này. Chúng tôi tiếp tục lên tiếng, hành động khi giá trị cộng đồng của chúng ta bị đe dọa”.
Phần lớn doanh nghiệp công nghệ chịu áp lực từ nhân viên và khách hàng trong việc chống lại động thái của ông Trump. Song các doanh nghiệp lớn hơn phải cân bằng sức ép đó cùng sự cần thiết của việc bắc cầu cùng chính quyền mới nhằm giải quyết các vấn đề như cải cách thuế, cải cách quy định.
tin liên quan
Mỹ dừng cấp nhanh thị thực cho lao động lành nghềQuy trình xét duyệt thị thực H-1B của Mỹ trong vòng 15 ngày sẽ bị tạm hoãn trong 6 tháng kể từ ngày 3.4.
Bình luận (0)