Hơn 50 hộ dân mòn mỏi chờ sổ đỏ

23/01/2024 10:44 GMT+7

Dù đã được cấp đất và xây dựng nhà cửa, sinh sống ổn định từ năm 2004, nhưng đến nay sau 20 năm, hàng chục hộ dân tại thôn Tân An, xã Ia chim, TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum) vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Từ năm 2004 - 2008, Nhà máy chế biến mủ cao su Ia Chim (thuộc Công ty cao su Kon Tum) đã cấp đất ở cho 53 công nhân của công ty. Sau khi được cấp đất, các công nhân xây dựng nhà ở kiên cố. Để yên tâm sinh sống, làm việc, các công nhân này đã liên hệ với chính quyền địa phương để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Tuy nhiên, đến nay sau 20 năm, những hộ dân này vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Hơn 50 hộ dân mòn mỏi chờ sổ đỏ- Ảnh 1.

Có 53 hộ dân trong khu tập thể công nhân thôn Tân An chưa được cấp sổ đỏ.

ĐỨC NHẬT

Ông Trần Ngọc Tùng (46 tuổi) cho biết năm 2006, sau khi vào làm công nhân tại Nhà máy chế biến mủ cao su Ia Chim, ông được nhà máy cấp 1 lô đất tại thôn Tân An (xã Ia Chim). Được cấp đất, ông liền xây dựng nhà ở. Nhiều năm nay ông cùng nhiều công nhân khác đề nghị UBND xã cấp sổ đỏ trên mảnh đất đang ở, tuy nhiên do một số vướng mắc nên đến nay sau 18 năm, gia đình ông vẫn đang ở trên mảnh đất không phải của mình. "Nguyện vọng của anh em công nhân ở đây là được cấp sổ đỏ để an cư lạc nghiệp, an tâm sinh sống. Thậm chí căn nhà sau hàng chục năm đã bị thấm dột, hư hỏng nhưng gia đình tôi vẫn không dám sửa chữa. Vì đến nay mảnh đất này vẫn chưa thực sự là của mình. Nếu lô đất bị thu hồi thì gia đình không biết sẽ đi đâu", ông Tùng lo lắng.

Tương tự, bà Lê Thị Thương (36 tuổi) cho biết gia đình bà được nhà máy cấp đất tại khu tập thể từ năm 2006. Từ đó đến nay, gia đình bà đã xây dựng nhà và ổn định cuộc sống. Mỗi năm gia đình đều thực hiện đóng thuế sử dụng đất theo quy định. Tuy nhiên sau 18 năm, gia đình vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Trong khi đó, một số công nhân sau khi nghỉ việc tại Nhà máy chế biến mủ cao su Ia Chim đã chuyển nhượng phần đất được cấp cho hộ dân khác đến sinh sống. Bà Nguyễn Thị Hoa (52 tuổi) cho biết 3 năm trước bà mua lại lô đất trong khu tập thể công nhân này với giá 120 triệu đồng. Việc mua bán thỏa thuận đều thông qua giấy tay. Hiện gia đình chủ cũ đã chuyển đi tỉnh khác nên nếu lô đất bị thu hồi, gia đình bà sẽ mất trắng. "Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp sổ đỏ để vay vốn phát triển kinh tế và yên tâm lao động, sinh sống", bà Hoa bày tỏ.

Theo ông Huỳnh Hữu Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Ia Chim, có 53 hộ dân đang sinh sống ở khu tập thể công nhân tại thôn Tân An, đa phần là công nhân Nhà máy chế biến mủ cao su Ia Chim. Cũng theo ông Tâm, do một số vướng mắc liên quan nguồn gốc đất nên chính quyền địa phương chưa thể cấp sổ đỏ cho các hộ dân này. Việc chậm trễ cấp sổ đỏ cho bà con cũng đã gây một số khó khăn trong việc vay vốn để phát triển kinh tế.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ mời đại diện Công ty cao su Kon Tum, những người dân sống trong khu tập thể đến làm việc để xác minh nguồn gốc đất. Sau đó địa phương sẽ báo cáo UBND TP.Kon Tum xin ý kiến chỉ đạo để giải quyết cấp sổ đỏ cho bà con", ông Tâm nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.