Đặc biệt tại dự án, công tác môi trường đã được kiểm soát chặt chẽ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Minh Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV nhôm Lâm Đồng (LDA), cho biết Công ty đang thực hiện khai thác quặng bauxite đúng các quy trình, quy định hiện hành theo hình thức cuốn chiếu (khai thác đến đâu, hoàn thổ đến đấy, sử dụng đất màu khi bóc phủ để san gạt hoàn thổ).
Hiện tại, công ty đang đầu tư nghiên cứu thử nghiệm áp dụng công nghệ thải mới cho việc thải quặng đuôi nhà máy tuyển, lọc ép kho bùn đỏ, khuyến khích, xúc tiến các chương trình tái sử dụng bùn thải quặng đuôi, tro xỉ, bùn đỏ...; tiếp tục nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới trong sản xuất như vải lọc, chất trợ lắng, hóa chất trợ lọc, hỗ trợ quá trình kết tinh...
Trong năm 2017, quá trình lấy mẫu quan trắc môi trường tại tổ hợp của Trung tâm Quan trắc môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT) được thực hiện dưới sự giám sát công khai của người dân địa phương. Theo kết quả công bố, các thông số về nguồn nước, không khí và tiếng ồn tại tổ hợp nằm trong ngưỡng an toàn cho phép, theo các quy chuẩn (QC) VN.
Để tuân thủ triệt để công tác bảo vệ môi trường, công ty đầu tư, lắp đặt các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại như hệ thống giám sát, kiểm soát nguồn nước tại Nhà máy Alumin và nhà máy tuyển… để phân tích, theo dõi các yếu tố tác động đến môi trường nước, không khí và tiếng ồn. Đặc biệt, 2 hệ thống quan trắc của Sở TN-MT và Công ty nhôm Lâm Đồng luôn tiến hành theo dõi hoạt động của Nhà máy Alumin theo định kỳ hằng tháng.
Đối với công tác cải tạo, phục hồi môi trường, đến nay, công ty đã hoàn thổ được hơn 58,71 ha đất đã khai thác quặng và bàn giao cho đơn vị thực hiện trồng cây. Hiện đã trồng được 56,55 ha cây keo xen cây thông, với mật độ 1.660 cây/ha.
Trồng cây năng lượng để hoàn nguyên bền vững
Ngay khi bắt đầu khai thác bauxite phục vụ cho hoạt động của nhà máy sản xuất alumin, công tác hoàn nguyên đất, hoàn nguyên môi trường đã được TKV tính đến.
Trước đây, đã có dự án nghiên cứu trồng một số loại cây trên đất bauxite sau khi khai thác như chè, cà phê, điều, ca cao, cao su, keo. Qua quá trình trồng thử nghiệm, cây chè, cà phê và cây keo khá phù hợp, các loại cây khác không phát triển hoặc phát triển ở mức trung bình. Do đó, cây keo vẫn là cây trồng được lựa chọn hàng đầu cho đến nay.
Qua 4 năm, diện tích mỏ đã được khai thác vào khoảng 200 ha. Cách thức khai thác mỏ được thực hiện là bóc tách lớp đất màu, khai thác bauxite và trả lại lớp đất màu để trồng cây. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả kinh tế trên vùng đất đã khai thác mỏ, tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, triển khai các dự án liên quan đến hoàn nguyên đất. Dự án trồng cây năng lượng trên đất đã khai thác bauxite tại Lâm Đồng (dự án mà Viện Độc lập các vấn đề về môi trường - UFU, Cộng hòa Liên bang Đức triển khai thử nghiệm tại khu khai thác mỏ bauxite thuộc Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng), là một trong những bước nghiên cứu nhằm lựa chọn được loại cây trồng thích hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao để hoàn nguyên khu mỏ rộng khoảng 1.700 ha, dự kiến được khai thác dần trong thời hạn 29 năm.
Bình luận (0)