Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Thủy lợi sáng nay (12.9).
Bộ trưởng Cường cho biết quy định giá dịch vụ thủy lợi được sử dụng thay cho “thủy lợi phí” tại pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi (2001). Quy định này nhằm đảm bảo phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành vì luật Phí và lệ phí không quy định “thủy lợi phí”.
Cũng theo ông Cường, việc thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội về công tác thủy lợi từ “phục vụ” sang đúng bản chất “dịch vụ”, giúp người sử dụng dịch vụ hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, coi dịch vụ thủy lợi là một dịch vụ đầu vào cho sản xuất, góp phần nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm nước.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn cho rằng việc thực hiện cơ chế giá dịch vụ thủy lợi sẽ đưa công tác này tiếp cận cơ chế thị trường, tạo động lực cho các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi, gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ.
Ông Cường cho biết, bên cạnh đó Nhà nước sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ các dịch vụ thủy lợi phục vụ mục tiêu công ích, hỗ trợ dân sinh sản xuất tại các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong trường hợp bị thiệt hại do thiên tai gây ra.
tin liên quan
Tây nguyên đang cạn kiệt nguồn nướcTây nguyên hiện có 1.190 hồ thủy lợi và thủy điện, 970 đập dâng, 200 trạm bơm và công trình khác.
Góp ý cho dự luật, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi: "Khi người nông dân phải bỏ tiền ra mua nước sản xuất thì họ có quyền lựa chọn trồng cây gì cho hiệu quả hay không? “Nếu trồng lúa không đảm bảo dẫn đến nay mai hàng loạt nông dân bỏ ruộng, chuyển đổi cây trồng thì sẽ ra sao?”.
Cũng theo ông Phúc, khi đã thành dịch vụ thì phải có quy định về trách nhiệm. “Nếu xảy ra hạn hán, dịch vụ của anh có đảm bảo được không? Điện lực mà cắt điện không có báo trước phải đền bù, vậy trách nhiệm của thủy lợi thế nào nếu dịch vụ không đảm bảo?”, ông Phúc đặt câu hỏi.
Ông Phúc nhấn mạnh dự luật này có ảnh hưởng tới hơn 60 triệu nông dân nên cần phải tính toán, quy định sao cho hợp lý để dự luật khả thi trên thực tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề về quan hệ thủy lợi và thủy điện có thể giải quyết trong dự luật này được không? Theo bà Nga, thực tiễn thời gian qua cho thấy nhiều trường hợp khi thủy điện xả lũ hoặc không xả đều ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân ở hạ lưu trong đó có vấn thủy lợi.
Góp ý cho dự luật, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, do có tầm quan trọng đặc biệt kể cả trong thời bình lẫn thời chiến nên dự luật cần quy định các công trình thủy lợi nằm trong hệ thống phòng thủ khu vực các cấp. “Quy định như vậy để các công trình này sẽ được cơ quan quân sự, công an bảo vệ”, ông Tỵ nói.
Bình luận (0)