Hơn 75% thí sinh đến làm thủ tục dự thi

09/07/2014 09:00 GMT+7

Ngày 8.7, TS cả nước đến các điểm thi làm thủ tục dự thi đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo báo cáo nhanh của Bộ, đợt thi này có 141 trường ĐH tổ chức thi với 893 điểm thi và 22.152 phòng thi. Có 575.188/761.753 TS đến làm thủ tục dự thi, đạt tỷ lệ 75,51%.

Ngày 8.7, TS cả nước đến các điểm thi làm thủ tục dự thi đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo báo cáo nhanh của Bộ, đợt thi này có 141 trường ĐH tổ chức thi với 893 điểm thi và 22.152 phòng thi. Có 575.188/761.753 TS đến làm thủ tục dự thi, đạt tỷ lệ 75,51%.

Hơn 75% thí sinh đến làm thủ tục dự thi
Hàng trăm lượt thí sinh chờ được chỉnh sửa giấy báo thi tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Hà Ánh

Chen nhau sửa giấy báo thi

Cũng trong ngày hôm qua rất nhiều thí sinh phải vất vả chờ đợi chỉnh sửa sai sót trên giấy báo thi. Có hàng loạt sai sót từ lỗi chính tả (họ tên thí sinh, trường học, địa chỉ), khối thi đến khu vực, đối tượng ưu tiên...

 

Đón đọc gợi ý bài giải đề thi

Báo Thanh Niên ngày mai 10.7 sẽ có 4 trang phụ trương tặng bạn đọc gợi ý bài giải các môn toán, địa, sinh, sử, ngoại ngữ. Trên số báo này còn có những thông tin đầy đủ, phân tích sâu về đề thi, tình hình mùa thi năm nay và nhiều tin tức hữu ích liên quan đến kỳ thi.

Website của Báo Thanh Niên (www.thanhnien.com.vn) và Thanh Niên Mobile sẽ cập nhật liên tục gợi ý giải đề thi, nhanh chóng có đáp án các môn thi của Bộ GD-ĐT.

Thanh Niên

Tại Đà Nẵng, có thí sinh (TS) ở Quảng Ngãi đăng ký dự thi nhờ ở ĐH Huế nhưng giấy báo dự thi gửi về lại ghi ở ĐH Đà Nẵng. Ông Nguyễn Hoàng Việt, Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng cho biết sai sót này có thể do Sở GD-ĐT chuyển nhầm hồ sơ. Một TS ở H.Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đăng ký dự thi vào khối M Trường ĐH Phạm Văn Đồng nhưng trường không tổ chức thi nên trả hồ sơ về. TS này nộp hồ sơ thi nhờ ở ĐH Đà Nẵng qua đường bưu điện, đến ngày dự thi vẫn chưa nhận được giấy báo dự thi. Hôm qua, đại diện ĐH Đà Nẵng cho biết không nhận được hồ sơ của TS tuy nhiên vẫn tạo điều kiện để TS tham gia kỳ thi. Một TS ở Quảng Nam đăng ký dự thi khối D1 vào Khoa Báo chí Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng nhưng giấy báo dự thi lại ghi là khối C...

Cũng như đợt 1, phần lớn những sai sót tập trung vào khu vực, đối tượng ưu tiên... Tại Hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngay sau giờ phổ biến quy chế thi, hàng trăm TS đã dồn về khu vực chỉnh sửa giấy báo thi.

TS Trần Thu Tâm (xã Vĩnh Hòa, H.Ba Tri, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Giấy báo dự thi trường ghi khu vực 1 em ở thuộc khu vực 2 - nông thôn. Dù sửa lại thì điểm ưu tiên giảm xuống nhưng em quyết đi sửa vì sợ vi phạm quy chế sẽ không được học nếu trúng tuyển”. Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Trà My (Trường THPT Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) khi đến chỉnh sửa còn cầm theo danh sách xã khó khăn do trường THPT in và phát. TS này cho rằng theo quy chế mới TS được hưởng ưu tiên khu vực 1 (trong khi giấy báo trường cấp ghi khu vực 2 - nông thôn).

Cũng tại hội đồng thi này, một TS hộ khẩu tại xã Hành Dũng, H.Nghĩa Hành, Quảng Ngãi học tại Trường THPT Nguyễn Công Phương (thị trấn Chợ Chùa, H.Nghĩa Hành), trên giấy báo dự thi trường ghi khu vực 2 - nông thôn, khi TS này đến yêu cầu chỉnh sửa trường vẫn khẳng định thông tin trên đúng. Tuy nhiên, theo quy chế mới TS có hộ khẩu thường trú tại xã có tên trong Quyết định 447, học tại trường THPT thuộc huyện có xã khó khăn nên phải được hưởng ưu tiên khu vực 1.

Ở Trường ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM... trong sáng qua, hàng loạt TS đề nghị chỉnh sửa ưu tiên từ khu vực 2 sang 1.

Có thể “lọt sổ” nhiều thí sinh

Do danh mục các trường THPT được hưởng ưu tiên khu vực mà Bộ GD-ĐT công bố trước đó chưa chính xác nên các trường tiếp tục gặp khó khăn trong việc chỉnh sửa khu vực, đối tượng ưu tiên.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH này đang kiểm dò lại danh mục các trường được hưởng ưu tiên khu vực 1 mà Bộ công bố. Chính sách ưu tiên khu vực được xác định dựa theo nguyên tắc cơ bản: căn cứ trên nơi học và tốt nghiệp THPT, cụ thể là mã trường THPT. Tuy nhiên, năm nay quy chế mới bổ sung thêm đối tượng ưu tiên khu vực 1 theo hộ khẩu thường trú, là những học sinh thuộc danh mục xã, thôn nằm trong Quyết định 447 và 539. Nhưng thực tế một số xã, thôn nằm trong hai quyết định này không có trường THPT, TS có hộ khẩu ở đây phải sang xã khác học, mà các xã này lại thuộc khu vực 2 - nông thôn. Đây là lấn cấn của việc ưu tiên trong năm nay. Trong khi đó, phần mềm xử lý hồ sơ đăng ký dự thi mà Bộ công bố chỉ căn cứ nơi học, mã trường THPT chứ không ghi nhận được hộ khẩu thường trú. Những TS thuộc dạng này có thể “lọt sổ” nếu chỉ dựa vào danh mục của Bộ.

Theo PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, trường chưa thể dựa vào danh mục mà Bộ công bố để giải quyết chế độ ưu tiên.

Đại diện nhiều trường ĐH khác cũng cho biết sẽ tiến hành kiểm dò bằng tay sau đợt thi đối với những TS trong danh sách ưu tiên khu vực.

Thế nào là “dân tộc thiểu số” ?

Việc xếp TS người Hoa vào đối tượng ưu tiên nào cũng không có sự thống nhất ở các trường. Huỳnh Bội Dinh (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) và nhiều TS người Hoa khác thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Sài Gòn được xếp vào đối tượng 06, hưởng ưu tiên 1 điểm. Trong khi đó, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho rằng người Hoa không phải là dân tộc thiểu số nên không được hưởng ưu tiên.

Trả lời Thanh Niên chiều 8.7, ông Đỗ Thanh Duy, Trưởng phòng Khảo thí và Công nhận văn bằng cho biết theo quy định của Chính phủ, dân tộc thiểu số là dân tộc có số lượng người ít hơn 50% so với dân tộc đa số. Theo đó, dân tộc Hoa được xếp vào nhóm các dân tộc thiểu số, và theo quy chế tuyển sinh hiện hành TS người Hoa được hưởng ưu tiên theo đối tượng 06, tức được cộng 1 điểm vào kết quả tuyển sinh.

Được sửa khu vực ưu tiên đến ngày công bố kết quả thi

Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) vừa có công văn gửi các trường yêu cầu rà soát về đối tượng ưu tiên khu vực 1 trong tuyển sinh. Việc này sẽ kết thúc trước khi trường công bố kết quả thi.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Thanh Duy, Trưởng phòng Khảo thí và Công nhận văn bằng (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Để các trường dễ rà soát, đối chiếu các đối tượng được ưu tiên, Bộ đã tập hợp danh sách các trường THPT trên toàn quốc đóng ở địa bàn có những xã thuộc diện ưu tiên khu vực 1. Căn cứ vào danh sách này, nếu TS nào có hộ khẩu thường trú thuộc khu vực 1, lại học phổ thông ở những trường có tên trong danh sách thì sẽ được ưu tiên khu vực 1”.

Ông Duy cũng nhấn mạnh: “Bộ đã yêu cầu các trường rà soát theo danh sách các trường THPT mà Bộ đã công bố. Tuy nhiên các trường cần lưu ý chỉ những TS có hộ khẩu thuộc khu vực 1 và học ở trường THPT thuộc danh sách đã công bố mới được hưởng ưu tiên khu vực 1. Không phải tất cả TS học ở các trường THPT trong danh sách đều được hưởng ưu tiên này. Còn những TS học ở trường THPT đóng tại khu vực 1 đương nhiên được hưởng ưu tiên khu vực 1 mà không yêu cầu phải có hộ khẩu ở xã, thôn thuộc khu vực này”.

Vũ Thơ

Hà Nội: Thí sinh đến làm thủ tục dự thi tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt tỷ lệ 62,59%. Trong ngày làm thủ tục dự thi, học viện yêu cầu TS đăng ký nguyện vọng thứ 2, nếu không coi như không có nhu cầu xét tuyển. ĐH Quốc gia Hà Nội có tổng số TS đến làm thủ tục dự thi khối C đạt 66,98%; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 74%; Trường ĐH Hà Nội 60%; Trường ĐH Y Hà Nội đạt 65,1%; Trường ĐH Y Hải Phòng 67,5%;  Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam 70%.

Cụm thi Vinh (Nghệ An) có tỷ lệ 68,9%, trong đó, ĐH Vinh 73,94%.

ĐH Đà Nẵng đạt tỷ lệ 82,94%.

Tại Bình Định, số TS đến làm thủ tục tại cụm thi liên trường Quy Nhơn là 80,78%. Riêng Trường ĐH Quy Nhơn 83,68%.

Cụm thi Cần Thơ là  81,9%. 

Trường ĐH An Giang là 82,82%, Trường ĐH Đồng Tháp 78,1%.

Thanh Niên

Đ.Nguyên - H.Ánh - D.Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.