Hơn 90% phế liệu tồn quá hạn tại cảng là vô chủ

Nguyên Nga
Nguyên Nga
08/04/2019 19:11 GMT+7

Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính gửi Chính phủ cho hay, tính đến ngày 15.2, cả nước tồn 23.000 container phế liệu.

Trong đó, gần 10.000 container phế liệu tồn quá 90 ngày không người nhận.

Hàng ngàn container phế liệu không người nhận

Cụ thể, Báo cáo nêu, trong gần 23.000 container phế liệu đang tồn tại cảng biển trên cả nước, nhiều nhất tập trung tại cảng biển thuộc Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu quản lý tồn đến 9.468 container, tồn đọng tại cảng biển Hải Phòng 6.082 container và khu vực TP.HCM là 4.689 container.
Trong số này, có 9.825 container đã tồn quá 90 ngày, các cơ quan hải quan đã phát thông báo tìm chủ nhân số hàng tồn này. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, sau thời gian thông báo chỉ có 955 container (chiếm tỷ lệ 9,7%) được xác nhận chủ hàng, có người liên hệ để nhận hàng… Còn 8.870 container không có người đến nhận. Số này được đưa vào tình trạng vô chủ, không người nhận hoặc không xác định được chủ hàng, chiếm đến 90,3%. Ngoài ra, có 7.048 container lưu giữ dưới 30 ngày và 6.580 container lưu giữ từ 30 - 90 ngày.
Nhiều lô hàng khai báo là hàng máy móc cũ, nhưng khi hải quan mở container mới "tá hỏa" toàn rác độc hại Ng.Ng
Một trong những đề xuất trước đây của ngành hải quan là yêu cầu các hãng tàu vận chuyển các lô hàng tồn này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu này thực tế không đơn giản và nhiều hãng tàu chưa thực hiện tái xuất. Theo báo cáo, tại Cục Hải quan Bình Dương, có 21 container hàng tồn được các hãng tàu làm thủ tục để thực hiện tái xuất, tuy nhiên, đến nay số hàng này vẫn đang được lưu giữ tại cảng biển. Tại Cục Hải quan Đà Nẵng có 5 container phế liệu tồn được hãng tàu đã nhận tái xuất đến nay cũng vẫn chưa thực hiện.

Phải quy trách nhiệm cá nhân để “rác” vào nhà

Từ những chủ lô hàng và hãng tàu chây ì hoặc không quan tâm trách nhiệm tái xuất theo phương án đề xuất của hải quan trước đây, Bộ Tài chính đưa ra hai giải pháp báo cáo Chính phủ nhằm giải quyết dứt điểm lượng hàng phế liệu tồn này, trước mắt là gần 10.000 container phế liệu vô chủ được nêu ở trên.
Không phải phế liệu, lượng lớn phế thải đang tồn tại các cảng biển không người nhận Ng.Ng
Phương án 1 là giao cho Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng quyết định bán đấu giá lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đối với lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường sẽ yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm thực hiện việc vận chuyển ra khỏi lãnh thổ VN. Phương án 2, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng tổ chức bán đấu giá toàn bộ các lô hàng tồn đọng, bao gồm cả hàng phế liệu đạt và không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Doanh nghiệp trúng đấu giá có trách nhiệm tiêu hủy với các lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Tuy nhiên, chi phí tiêu hủy lớn nên Bộ Tài chính ưu tiên lựa chọn phương án 1.
Hai đề xuất này của Bộ Tài chính không mới so với các đề xuất trước đây. Quan trọng hơn, với hàng hóa tồn đọng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu hoàn toàn không đạt chuẩn quốc gia về môi trường… khi đã xác định là vô chủ, không ai nhận, hãng tàu nào chịu làm thủ tục tái xuất?
Thực tế, qua thời gian kiểm kê và thông báo, số container phế liệu tồn được hãng tàu nhận trách nhiệm và làm thủ tục tái xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và dù đã làm thủ tục nhưng đến nay vẫn chưa tái xuất. Với gần 9.000 container phế liệu vô chủ, trong đó được xác nhận không ít hàng là phế thải rác độc hại, giải pháp tái xuất là không tưởng.
Chuyên gia môi trường Phan Văn Hiện nhấn mạnh, phương án bán đấu giá với hàng chất thải nguy hại khó được thực hiện. Bộ Tài chính bày tỏ lo lắng việc lựa chọn doanh nghiệp tham gia đấu giá mua… rác thải để tiêu hủy cũng khó khả thi. Nên phương án 1 là tối ưu song rất khó “tối ưu” với việc buộc tái xuất.
“Tôi nghĩ giải pháp là bỏ tiền ngân sách để xử lý. Và như vậy, việc xử lý phải quy trách nhiệm rõ từng cá nhân nào đã để lọt số rác thải khổng lồ này vào Việt Nam, từ đơn vị cấp phép, hải quan đều liên đới. Phương án nào cũng phải quy trách nhiệm cá nhân để “rác” tràn vào nhà lượng lớn như vậy”, ông Hiện bày tỏ quan điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.