Hơn 93% học sinh có nhu cầu 'gỡ rối' nhưng không biết hỏi ai

28/03/2015 12:00 GMT+7

(TNO) Khảo sát của Bộ Giáo dục - Đào tạo cho thấy, trên 93% học sinh có nhu cầu được tư vấn, chia sẻ nhưng không biết… hỏi ai.

(TNO) Khảo sát của Bộ Giáo dục - Đào tạo cho thấy, trên 93% học sinh có nhu cầu được tư vấn, chia sẻ nhưng không biết… hỏi ai.

hoc-sinh-can-duoc-tu-van-tam-lyKhông được chia sẻ, tư vấn dẫn tới tình trạng học sinh bị rối loạn tâm thần - Minh họa: DAD
Khúc mắc không biết hỏi ai
Bộ GD-ĐT vừa công bố kết quả khảo sát do Bộ này tiến hành trên một số trường THCS, THPT, đại học ở Hà Nội và Hải Dương. Theo đó, có tới 93,57% số học sinh, sinh viên được hỏi cho biết thường gặp phải những khó khăn vướng mắc cần phải chia sẻ trong học tập và đời sống hàng ngày (trong đó khối phổ thông là 95,33%, đại học là 85,92%). Đặc biệt ở lứa tuổi học sinh phổ thông, mức độ thường xuyên có những vướng mắc và cần chia sẻ là cao nhất với 80,17%. Trong khi đó, phần lớn (82,31% học sinh được hỏi) đều có mong muốn nhà trường, cơ sở giáo dục có phòng tư vấn tâm lý riêng, kín đáo, có cán bộ chuyên trách để thuận tiện cho các em có thể đến và chia sẻ về các vấn đề tâm lý của bản thân. Khi chia sẻ với cán bộ tư vấn tâm lý chuyên trách, học sinh sinh viên đỡ e ngại hơn so với thầy cô chủ nhiệm, quản lý sinh viên hay các giáo viên kiêm nhiệm.
Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo: Công tác tư vấn tâm lý học đường chưa thật sự được chú trọng. Học sinh, sinh viên thiếu “người bạn, người thầy” để chia sẻ, giúp các em vượt qua những khủng hoảng tâm lý và giúp giải quyết những khó khăn trong học đường và ngoài xã hội.
Đại diện nhiều Sở Giáo dục - Đào tạo cho rằng cần đưa quy định về tư vấn tâm lý học đường vào điều lệ trường trung học, ít nhất phải coi tính bắt buộc của hoạt động tư vấn học đường như phòng y tế trong trường học hiện nay. "Hàng loạt những băn khoăn, vướng mắc mà học sinh gặp phải là do chưa được chia sẻ và định hướng, dẫn tới việc có em bị trầm cảm, thậm chí tự tử chỉ vì những lý do rất nhỏ nhặt. Học sinh bị xâm hại, nghiện game, bạo hành, vi phạm pháp luật, có nguy cơ bỏ học vì những khó khăn trong học tập, trong cuộc sống cũng chỉ vì chưa được tư vấn, chia sẻ kịp thời", ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hải Phòng cảnh báo.
Nếu chờ học sinh phải tìm đến tư vấn là… hỏng bét
Liên quan đến tầm quan trọng của việc chủ động tư vấn giải đáp các vấn đề khúc mắc cho học sinh, bà Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho rằng: "Phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt tâm tư của học sinh để định hướng, để chia sẻ. Nếu để đến lúc học sinh phải tìm đến mình nhờ tư vấn, lúc đó tình hình đã… hỏng bét rồi".
"Với học sinh phổ thông, hầu hết “giờ vàng” trong ngày của các em là ở trường học. Nếu nhà trường chỉ dùng hết “giờ vàng” ấy để sáng học kiến thức, chiều học kiến thức thì việc sử dụng thời gian quý báu ấy đã thất bại", bà Phương Anh nêu quan điểm.
Từ cách tiếp cận trên, trường Nguyễn Thị Minh Khai dù có phòng Tư vấn nhưng không phải cán bộ tư vấn cứ ngồi đấy để đợi học sinh đến, mà hầu hết là chủ động tìm đến học sinh. Theo bà Phương Anh, hầu hết học sinh THPT ở thành thị hiện nay đều dùng mạng xã hội nên đó là kênh thông tin hữu hiệu nhất để giáo viên, cán bộ tư vấn tâm lý vào đó để biết học sinh của mình đang gặp phải vấn đề gì. “Thông qua mạng xã hội facebook thì ngày nào chuyên gia tư vấn cũng có việc để làm ”, Hiệu trưởng trường này nói. 
Bà Lý Thị Lương, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sỹ Liên, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - một trường THCS rất hiếm hoi của Hà Nội có phòng tư vấn học đường, cũng chia sẻ: "Năm 2011, phòng tư vấn học đường của trường ra đời với sự hỗ trợ, giúp đỡ các cán bộ, giảng viên khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn Hà Nội và hoạt động một năm trời không hề có kinh phí. Những ngày đầu, chúng tôi nhận được sự thờ ơ của cả giáo viên và học sinh, dù có nhu cầu nhưng nhiều học sinh chỉ rón rén tiếp cận với mô hình này".
Theo bà Lương, sau một thời gian, nhờ vào sự chuyên nghiệp của đội ngũ tư vấn, phụ huynh nhìn thấy hiệu quả của hoạt động này và tự nguyện đóng góp kinh phí nên phòng tư vấn của trường vẫn có thể tồn tại được. Đến nay đã có khoảng hơn 400 lượt học sinh tham vấn tâm lý. Đa số các em chia sẻ về áp lực học tập, mâu thuẫn giữa bạn bè, gia đình…
Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục - Đào tạo, cho biết Bộ sẽ ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường vào mỗi đầu năm học. Tiến tới xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục - đào tạo.
Bên cạnh đó, sẽ quan tâm đầu tư cả nguồn nhân lực và tài chính cho việc đào tạo chuyên sâu đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý trong nhà trường. Có cơ chế, chính sách đảm bảo cho người thực hiện công tác tư vấn tâm lý hợp lý, tương đối ổn định, yên tâm với nghề nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.