Reuters dẫn báo cáo từ DOC nói lốp ô tô từ Việt Nam đang được trợ cấp với tỷ lệ từ 6,23 - 7,89% thông qua việc chuyển đổi USD sang VNĐ với tỷ giá hối đoái thấp, rằng tiền Việt được định giá thấp hơn giá trị thực...
Theo báo cáo, lốp xe từ Việt Nam bán phá giá tới 22%; lốp Hàn Quốc bán phá giá tới 27%; lốp Đài Loan bán phá giá tới 102%; và lốp Thái Lan bán phá giá tới 21%.
Tuy nhiên, với nội dung chống bán phá giá, DOC giữ nguyên quyết định đã công bố tại quyết định sơ bộ. Cụ thể, theo Bộ Công thương, phần lớn các doanh nghiệp (chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe ô-tô của Việt Nam sang Mỹ) vẫn được xác định không bán phá giá, tức là không bị áp thuế chống bán phá giá trong vụ việc này. Các doanh nghiệp còn lại, nắm 4,5% kim ngạch xuất khẩu bị áp mức thuế 22,3%.
Với nội dung trợ cấp, mức thuế trợ cấp được DOC xác định cho các doanh nghiệp từ Việt Nam từ 6,23 - 7,89% (giảm so với mức 6,23 - 10,08% trong kết luận sơ bộ) - thấp nhất trong số các quốc gia, lãnh thổ bị điều tra kỳ này.
Theo Reuters, năm 2020, Mỹ nhập khẩu lượng lốp xe hơi và xe tải nhẹ trị giá khoảng 1,2 tỉ USD từ Hàn Quốc, 373 triệu USD từ Đài Loan, 2 tỉ USD từ Thái Lan, và 470 triệu USD từ Việt Nam.
Bộ Công thương đánh giá, đây là một kết quả tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lốp xe của Việt Nam tại thị trường Mỹ - thị trường lớn nhất đối với ngành sản xuất lốp xe. Kết quả sơ bộ cho thấy việc doanh nghiệp chủ động tham gia đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với các vụ việc như thế này. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đã nhiều lần trao đổi với các cơ quan liên quan của Mỹ thông qua các kênh đối thoại khác nhau để chứng minh Việt Nam không bán phá giá, không trợ cấp cho sản phẩm lốp xe cũng như không định giá thấp đồng tiền nhằm tạo lợi thế xuất khẩu.
Bình luận (0)