Hòn đá 'bị bắt giam' có phải là tang vật?

14/09/2013 11:00 GMT+7

Báo Thanh Niên vừa nhận được Văn bản số 2874/UBND-VHXH, ngày 29.8.2013, của UBND tỉnh Gia Lai về việc “đề nghị xử lý thông tin thiếu chính xác trong loạt bài của phóng viên Trần Hiếu”. Chúng tôi đã kiểm tra lại thông tin và trao đổi thêm với các chuyên gia xung quanh những vấn đề văn bản này đề cập.

Hòn đá
Hòn đá được đem ra trưng bày hiện nay  - Ảnh: Trần Hiếu

Giữa tháng 3.2012, trong quá trình đào ao lấy nước tưới trong vườn tiêu của gia đình, bà Trần Thị Sắc (ở xã H'bông, H.Chư Sê, Gia Lai) phát hiện hòn đá lạ và thuê máy cẩu đưa về làm cảnh. Sau đó đoàn kiểm tra của huyện tới lập biên bản thu giữ và đến ngày 30.5.2012, ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND H.Chư Sê ký Quyết định số 17/QĐ-UBND xử phạt bà Sắc 2 triệu đồng, đồng thời tịch thu hòn đá.

 

Quyết định của UBND huyện đang được tòa xem xét hợp pháp hay bất hợp pháp, giữ lại hay hủy bỏ, nếu tòa án tuyên hủy quyết định hành chính và tuyên trả tang vật đó mà các cơ quan hành chính cứ xử lý theo những quy định khác không chấp hành bản án thì xã hội sẽ loạn

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM

Sau khi bà Sắc khởi kiện quyết định nói trên của Chủ tịch UBND H.Chư Sê ra tòa, ngày 24.8, Báo Thanh Niên có bài viết Vụ án “bắt giam hòn đá”: Lấy tang vật đem trưng bày, đề cập đến việc hòn đá bị tịch thu nói trên, trong thời gian bị bà Sắc khiếu nại và khởi kiện ra tòa lại được H.Chư Sê bàn giao cho Bảo tàng Gia Lai. Sau đó, Sở VH-TT-DL và Sở Xây dựng phối hợp để đưa hòn đá đặt tại trung tâm TP.Pleiku. 

“Tang vật được tịch thu”

Tại Văn bản số 2874 gửi Báo Thanh Niên do Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Đào Xuân Liên ký cho rằng phóng viên sử dụng từ “tang vật của vụ kiện” là chưa chính xác, việc rút tít bài viết Vụ án “bắt giam hòn đá”: Lấy tang vật đem trưng bày không có cơ sở, mang tính chủ quan gây hiểu nhầm... Tuy nhiên, văn bản cũng xác định: “Từ khi quyết định này (Quyết định 17 của UBND H.Chư Sê - PV) thì hòn đá này là tang vật được tịch thu theo Nghị định 150/2004/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản”.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư (LS) Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM) phân tích: “Văn bản của UBND tỉnh Gia Lai đã cắt khúc sự việc để lái vấn đề sang một hướng khác. Vì không chỉ có việc UBND H.Chư Sê ban hành quyết định tịch thu hòn đá mà còn có việc bà Sắc không chấp nhận quyết định này, đang kiện vụ việc ra tòa theo luật Tố tụng hành chính”.

LS Công chỉ rõ: “Một quyết định mà UBND huyện ban hành có thể bị khiếu nại, khởi kiện ra tòa, lúc này phải căn cứ vào luật Tố tụng hành chính để giải quyết. Tang vật mà UBND huyện tịch thu bởi một quyết định hành chính cũng chính là tang vật hay vật chứng của vụ án hành chính. Hiện nay, vụ kiện này mới qua một cấp xét xử sơ thẩm và vẫn còn một cấp xét xử phúc thẩm nữa nên đây vẫn xem là tang vật của vụ kiện”.

Văn bản số 2874 cũng trích dẫn điểm c, khoản 2, điều 35 Nghị định 128/2008/NĐ-CP, quy định trong 10 ngày kể từ ngày ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cơ quan đã ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính và các ngành liên quan tổ chức xử lý tang vật, để khẳng định việc UBND tỉnh Gia Lai giao các ngành chức năng quản lý, sử dụng hòn đá là “đúng theo quy định của pháp luật”.

Theo LS Nguyễn Thành Công, Nghị định 128 của Chính phủ chỉ áp dụng trong trường hợp quyết định hành chính ban hành không có khiếu nại, không bị khởi kiện. Trong trường hợp đã có khiếu nại, khởi kiện thì tang vật phải được giữ nguyên hiện trạng, không được sử dụng vào bất cứ mục đích gì. “Nếu đem đi trưng bày mà bị mất, trong trường hợp cần thiết phải giám định xem đó có phải là khoáng sản hay không thì lấy đâu tang vật để giám định, vụ kiện làm sao giải quyết được”, LS Công nói.

“Bị kiện thì phải dừng”

LS Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính đang bị khởi kiện thì về nguyên tắc tố tụng hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật của TAND tối cao, Viện KSND tối cao hướng dẫn khi cơ quan tư pháp (tòa án) đang thụ lý, xem xét, xử lý 1 vụ án, thì mọi hành vi hành chính của các cơ quan hành chính liên quan đến vụ việc đó phải dừng lại chờ phán quyết của tòa. “Vì quyết định của UBND huyện đang được tòa xem xét hợp pháp hay bất hợp pháp, giữ lại hay hủy bỏ, nếu tòa án tuyên hủy quyết định hành chính và tuyên trả tang vật đó mà các cơ quan hành chính cứ xử lý theo những quy định khác không chấp hành bản án thì xã hội sẽ loạn. Vì vậy, trong trường hợp tòa án đang thụ lý thì tang vật của vụ kiện hành chính không thể đem đi trưng bày”, LS Hậu nói.

Phó bí thư xã nói nhầm

Báo Thanh Niên ngày 17.8 đăng tin Vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2: Cứu đói vì chủ đầu tư chưa chịu đền bù, trong đó dẫn nguồn tin từ ông Hồ Đình Kỳ - Phó bí thư Đảng ủy xã Ia Dom, H.Đức Cơ (Gia Lai), cho biết 21 hộ dân có thiệt hại lớn trong vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 đã được cứu đói khẩn cấp. Tuy nhiên sau khi có phản hồi từ UBND tỉnh Gia Lai, PV Thanh Niên trao đổi lại thì ông Kỳ giải thích: “Do vội quá nên đã nói nhầm”. Như vậy, thông tin mà Báo Thanh Niên đã dẫn theo lời ông Kỳ là chưa chính xác. Việc này đã được tòa soạn rút kinh nghiệm với PV.

Thanh Niên

>> Xét xử vụ án 'bắt giam hòn đá': 'Đá gì cũng là khoáng sản' (!)
>> Vụ bắt giam hòn đá: Sẽ xử lý những tập thể, cá nhân sai phạm
>> “Bắt giam” hòn đá 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.