Đất vốn hồn nhiên, chẳng hề dịch chuyển bao giờ, nhưng những gì diễn ra trên đất suốt bao năm qua, bây giờ hằng ngày hiện lên mặt báo, thành ra như một câu chuyện nhức nhối, gây bao cảnh đau lòng cho những người bị đẩy đuổi khỏi mảnh đất mà họ hằng sinh sống và yêu dấu. Bỗng dưng, lại nhớ về một bữa ăn tối đạm bạc trên thềm một ngôi nhà nằm bên bờ sông Tắc ở quận 9 (TP.HCM) cách đây hơn 15 năm. Bữa ấy, tôi được mời lại uống ly rượu mừng với ông chủ nhà là một nông dân, có một mảnh vườn hương hỏa và vài sào ruộng mưu sinh. Nói là mừng, bởi sau nhiều bài báo của tôi và các đồng nghiệp, dự án “xí phần” của một doanh nghiệp khiến cho gia đình người nông dân nhiều năm mất ăn mất ngủ, đã được xóa quy hoạch. Trong ráng chiều sắp tắt, ông nâng ly lên, hể hả nói rằng đây là ly rượu ngon nhất 7 năm qua. Còn đứa bé gái út đang học lớp 5, thì khuôn mặt sáng rỡ, hỏi mẹ: “Vậy là gia đình mình không mất nhà, mất đất nữa hả má?”. Mấy từ “mất nhà, mất đất” mà bé gái ấy nói không thể hiểu một cách bình thường, mà phải hình dung một cách sâu sắc rằng, đó là nỗi ám ảnh kinh hoàng, khi phải rời khỏi nơi bao nhiêu thế hệ gửi gắm mồ hôi tâm sức tạo dựng mà thành.
Đất, là một thứ muôn đời người ta cứ nghĩ nó vô tri. Nhưng, nếu như yêu đất yêu cây thì khi bị buộc phải rời khỏi nó, chẳng khác gì người ta cắt rời linh hồn của con người ra khỏi nơi vốn hằng nương náu. Tôi còn nhớ lúc nhỏ, có đọc cuốn sách do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành tựa đề Dấu chân trên đồng viết về một nhà nông học nổi tiếng - Giáo sư Lương Định Của. Ông đã từ bỏ nước Nhật giàu có và một nền khoa học phát triển, để về nước lăn lộn với đất, với các công trình lai tạo giống cho nông dân, mong rằng người nông dân được trang bị thêm một ít vốn liếng tri thức chăm trồng, để những nghĩ suy trên luống cày của mình có thể được vụ mùa bội thu. Oái oăm thay, tên của nhà khoa học yêu đất bậc nhất ấy, bây giờ lại được đặt cho một con đường lớn ở quận 2 (TP.HCM), nơi đã và đang xảy ra những vụ kiện tụng đầy nước mắt của người dân khi họ bị “bứng” ra khỏi đất, và sự rối rắm của câu chuyện này chưa biết bao giờ kết thúc.
Những gì mà đất mang lại, chỉ có thể ví như đó là một thực thể thiêng liêng, là nguồn sống cho mỗi con người, không chỉ ở nông thôn, mà cả ở chốn thị thành. Bởi, mỗi sớm chiều, khi thưởng thức hương thơm hoa lá, hay mỗi món ăn hiện diện trên bữa cơm mỗi nhà, ít hay nhiều đều có liên quan đến đất. Nói một cách đơn giản, chẳng ai đứng ở chốn nào, mà vững trên đôi chân được khi không có đất nâng đỡ. Để rồi, với những bộn bề chuyện về đất hằn lên trên trang báo mỗi ngày, khi nghĩ đến lại tự hỏi, nếu có một câu trả lời cho tựa bài viết này, thì câu trả lời ấy sẽ ra sao?
Bình luận (0)