Hỗn loạn yến thật, yến giả: Tiền nào của nấy

16/06/2015 06:20 GMT+7

Không tính những trường hợp làm yến giả, yến pha tạp để trục lợi thì tổ yến cũng có nhiều mức giá cả khác nhau tùy chất lượng và thương hiệu của sản phẩm.

Không tính những trường hợp làm yến giả, yến pha tạp để trục lợi thì tổ yến cũng có nhiều mức giá cả khác nhau tùy chất lượng và thương hiệu của sản phẩm.

Khai thác tổ trong nhà yến của Trung tâm yến sào Hoàng Yến EKA Khai thác tổ trong nhà yến của Trung tâm yến sào Hoàng Yến EKA - Ảnh: Trung tâm yến sào Hoàng Yến EKA

PGS-TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học động vật Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Khoa học và Công nghệ VN) - một trong những người VN đầu tiên có công trình khoa học về chim yến, giải thích: Sở dĩ tổ yến ở vùng này ngon hơn vùng kia là do số lượng và chất lượng thức ăn của từng vùng mà chim yến nhận được.

Cần biết rõ nguồn gốc

Tại Malaysia, tổ yến của chim sống ở vùng nam (vùng có rừng quốc gia - thức ăn nhiều) có hàm lượng protein cao hơn phía bắc và phía đông. Ngoài ra, chất lượng tổ yến còn phụ thuộc vào tháng và mùa vụ thu hoạch. Đơn cử, mùa khô ít côn trùng thì hàm lượng protein trong tổ yến thấp hơn mùa mưa (nhiều côn trùng).

Số liệu phân tích tổ yến hang động VN cũng cho thấy hàm lượng protein và lipit có khác nhau theo loại tổ và kỳ khai thác, trong đó tổ yến khai thác kỳ 1 tốt hơn kỳ 2. Hàm lượng protein trong kỳ khai thác lần đầu là 47,16%, lần hai 36,9%; lipit lần đầu 0%, lần 2 - 0,56%. Điều này cũng dễ hiểu vì chim yến làm tổ trong kỳ 1 kéo dài 60 - 80 ngày, nước bọt được chế tiết đầy đủ, tích tụ được nhiều chất dinh dưỡng hơn so với kỳ 2 chỉ làm tổ trong 30 ngày. Nếu tận thu bắt chim làm tổ nhiều lần thì chất lượng tổ cũng sút kém. Đó là lý do giá yến sào có nhiều mức khác nhau, thậm chí chênh lệch khá lớn.

Theo bà Thu, thành phần chính của tổ yến là carbohydrate, glycoprotein và các nguyên tố vi lượng; trong số các carbohydrate, acid sialic có nhiều nhất trong tổ yến (9%). Acid sialic có khả năng kháng vi khuẩn, vi rút, kháng viêm, điều hành hệ thống miễn dịch... Do có sự khác biệt rõ rệt về chất lượng tổ yến nên khi mua tổ yến về ăn, cần có chọn lọc và hiểu được nguồn gốc thì ăn yến mới có tác dụng.

Phải ghi rõ xuất xứ hàng hóa

Thị trường VN hiện có 3 loại: yến đảo, yến trong đất liền và yến nhập ngoại. Để phân biệt giữa yến VN với yến nước ngoài, theo anh Hữu, một người nuôi yến trong nhà với chuỗi nhà yến rất thành công ở Cần Giờ (TP.HCM), Gò Công, Mỹ Tho (Tiền Giang), Hà Tiên (Kiên Giang)... người có kinh nghiệm có thể nhận biết sự khác biệt qua mùi vị. Tổ yến có mùi tanh tanh mốc mốc của biển và yến VN có mùi tanh hơn. Sau khi chế biến, yến VN khi ăn vẫn còn có mùi tanh, trong khi yến Malaysia gần như không có mùi vị như vậy.

Tuy nhiên, mùi vị của tổ yến, tanh ít hay nhiều, dai hay bở, còn tùy thuộc yến của mỗi vùng miền, mùa mưa hay nắng cũng như loại thức ăn của yến. Ngoài ra, tổ yến non hay già cũng cho cảm nhận mùi vị khác nhau đối với người dùng. Tổ yến cùng trong một nhà, nếu để 3 tháng sau mới khai thác, ăn sẽ thấy dai hơn. Xu hướng hiện nay của người tiêu dùng là ăn yến trắng tự nhiên (không tẩy trắng) và độ dai tự nhiên, được khai thác tức thì. Còn những tổ yến để lâu ngày trong nhà yến, các chất thải trong nhà yến sẽ nhiễm vào tổ, chuyển màu vàng, kém chất lượng.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, anh Hữu cho rằng sản phẩm yến sào nên ghi rõ xuất xứ hàng hóa. Cơ quan quản lý nhà nước cần hợp tác với các cơ sở sản xuất, kinh doanh yến sào để định danh, bất cứ sản phẩm yến sào nào trên thị trường VN phải thể hiện rõ tổ yến được khai thác ở đâu, thời gian nào... “Rất cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, vừa để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, vừa bảo vệ quyền lợi của những người sản xuất, kinh doanh yến chân chính đang bị cạnh tranh bởi yến nhập từ nước ngoài”, anh Hữu đề xuất.

Còn theo ông Lê Danh Hiển, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Trung tâm yến sào Hoàng Yến EKA, người tiêu dùng khi mua sản phẩm yến sào cần tìm hiểu kỹ các thông tin trên sản phẩm được niêm yết. Tốt nhất nên mua sản phẩm ở những nơi có thương hiệu, địa chỉ rõ ràng, có giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm và giấy kiểm dịch... Khách hàng cũng nên chú ý về độ ẩm của tổ yến có được công bố hay không, vì tổ yến có độ ẩm cao quá sẽ làm tăng trọng lượng và khi mua về nhà khô lại thì hao hụt 10 - 15% trọng lượng. Kiểm tra độ ẩm có thể bằng cách bóp nhẹ tổ, nếu thấy cứng là độ ẩm thấp, còn thấy dẻo dẻo hay gấp lại được là độ ẩm cao. 

Liên kết nhiều cơ quan chức năng để bảo vệ người tiêu dùng

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, thừa nhận: “Tình trạng buôn bán sản phẩm yến hiện nay tràn lan như Thanh Niên phản ảnh là chính xác. Yến sào là sản phẩm cao cấp, giá trị cao nhưng lại được bày bán ở khắp nơi, từ ngã tư đường phố đến các cửa hàng nhỏ. Rõ ràng chất lượng của các sản phẩm này là đáng nghi ngờ. Nhiều trường hợp trộn lẫn hàng hóa, trong đó có cả hàng nhập lậu và hợp thức hóa chứng từ bằng nhiều cách. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý là hết sức phức tạp và chỉ một mình cơ quan quản lý thị trường là không khả thi, vì kiểm tra phần ngọn, không có điều kiện kỹ thuật và chuyên môn để đánh giá chất lượng. Chúng tôi sẽ kiến nghị để lãnh đạo cấp cao hơn có hướng giải quyết, trong đó sẽ phải liên kết nhiều cơ quan chức năng lại với nhau để cùng phối hợp, hạn chế thiệt hại cho người tiêu dùng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.