Hơn một nửa dân Triều Tiên dùng nhân dân tệ thay vì đồng won?

01/03/2018 19:49 GMT+7

Hơn một nửa dân Triều Tiên đang sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc như 'hàng rào' chống lại lạm phát và để bảo vệ giá trị tài sản của họ.

Tỷ lệ người Triều Tiên dùng đồng nhân dân tệ đạt 52,5% từ năm 2013 trở đi, tăng từ 23,4% trong giai đoạn 2010 - 2012, Nikkei trích kết quả được Viện Nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc điều tra.
Các nhà phân tích nói rằng những con số này cảnh báo mức độ tự tin suy giảm của đồng won Triều Tiên và phản ánh sự phụ thuộc mạnh mẽ của nền kinh tế nước này vào Trung Quốc.
Theo ông Lee Jong-kyu, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc, số lượng người Triều Tiên trả tiền bằng đồng won đã giảm từ 74,9% trong giai đoạn 2010 - 2012 xuống còn 43,4% vào năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu là do lạm phát cao.
“Những người đào tẩu khỏi Triều Tiên nói rằng họ đã sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thường xuyên hơn là đồng won của Triều Tiên. Thực tế này có ý nghĩa thống kê rõ ràng. Đây cũng là xu hướng đang lan rộng trong nước, bất kể người dân sống ở đâu, trình độ học vấn của họ như thế nào và công việc của họ là gì. Người Triều Tiên cũng sử dụng nhân dân tệ trong các giao dịch nhỏ để thay thế cho đồng nội tệ”, ông Lee nói trong cuộc hội thảo về kinh tế Triều Tiên hôm 28.2.
Quan điểm của ông Lee được hỗ trợ bởi ông Yang Moon-soo, giáo sư tại University of North Korean Studies, người đã nói: “Khi các học giả Trung Quốc lên taxi ở Triều Tiên, người lái xe chỉ yêu cầu thanh toán bằng đồng nhân dân tệ hoặc đồng USD. Họ không chấp nhận đồng won Triều Tiên”.
Theo Daily NK, một tổ chức truyền thông ở Seoul chuyên về các thông tin ở Triều Tiên, tỷ giá tại các thị trường tư nhân của Triều Tiên, được gọi là “jangmadang”, là 1.170 won/1 nhân dân tệ ở Bình Nhưỡng, 1.145 won ở Sinuiju, một thành phố giáp tây bắc Trung Quốc, và 1.200 won ở Hyesan trong khoảng thời gian từ ngày 18 đến 24.1.2018.
Kim Byung-yeon, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul, nói rằng Triều Tiên dường như đã thông qua một hệ thống trao đổi tiền tệ dựa trên đồng nhân dân tệ để ổn định nền kinh tế bằng cách cho phép người dân sử dụng đồng nội tệ của Trung Quốc.
“Đây là một hệ thống tỷ giá hối đoái cố định mà Triều Tiên sử dụng để ổn định nền kinh tế bằng cách liên kết đồng nội tệ của họ với đồng nhân dân tệ. Nó tương tự như hệ thống tỷ giá hối đoái cố định trong nền kinh tế thị trường mà chính quyền trung ương Triều Tiên sử dụng để ổn định kinh tế vĩ mô với một cái neo danh nghĩa”, ông Kim cho biết.
Theo ông Lee, mặc dù việc sử dụng đồng nhân dân tệ giúp Triều Tiên giữ ổn định giá tiêu dùng trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài đồng tiền của nước này sẽ ngày càng mất đi sự tín nhiệm và gây ra những vấn đề cho nền kinh tế.
“Sự biến động của đồng nhân dân tệ là một rủi ro. Sử dụng một yếu tố bên ngoài như vậy có thể chứa nhiều nguy cơ cho nền kinh tế của Triều Tiên”, ông Lee cảnh báo.
Các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn nguồn tài chính để phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng ảnh hưởng đến việc sử dụng nhân dân tệ. Nhiều doanh nghiệp Triều Tiên ở Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa và công nhân cũng buộc phải hồi hương khi Bắc Kinh hành động theo các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Điều này làm giảm dòng chảy của đồng nhân dân tệ vào Triều Tiên.
“Việc sử dụng ngoại tệ đã được mở rộng ở Triều Tiên kể từ khi cải cách tiền tệ thất bại trong năm 2009 và sự phụ thuộc vào ngoại tệ của nước này trở nên sâu sắc hơn. Vì vậy, nếu nguồn cung ngoại tệ xấu đi do các biện pháp trừng phạt kinh tế, thì tác động của nó có thể sẽ lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế”, trích một báo cáo của Ngân hàng Hàn Quốc công bố hồi tháng 12.2017.
Kho bạc Mỹ hồi tuần trước đã công bố biện pháp trừng phạt lớn nhất dành cho Triều Tiên để cô lập và gây áp lực tối đa lên chính quyền nước này. Cụ thể, các biện pháp chế tài mới nhắm vào một cá nhân, 27 thực thể và 28 tàu gắn cờ, neo đậu hoặc đăng ký ở Triều Tiên, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, quần đảo Marshall, Tanzania, Panama và Comoros.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.