Tiếp xúc với phóng viên vào chiều hôm qua, ông Nguyễn Văn Thuần, thuyền trưởng tàu du lịch Kiên Lương, người trực tiếp chứng kiến vụ sập "hòn Phụ" vẫn chưa hết bàng hoàng: "Lúc đó vào khoảng 3 giờ 45 phút sáng, tôi đang nằm dưới thuyền (neo đậu cách hòn Phụ Tử khoảng vài chục mét) thì nghe một tiếng "ầm" khá lớn. Nhìn ra, thấy "hòn Phụ" biến đâu mất tiêu. Ban đầu cứ tưởng mình mê ngủ, nhưng dụi mắt mấy cái, mới tá hỏa. Tôi bèn cho bà xã hay, bả cũng không tin, cho là tôi nói giỡn".
Hòn Phụ Tử ngày nào (ảnh: Trần Lam) |
Trao đổi với chúng tôi, anh Phan Thanh Trạng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại du lịch Kiên Lương vẫn chưa hết ngỡ ngàng: "Thật không thể tưởng tượng một di tích thắng cảnh nổi tiếng như hòn Phụ Tử lại bị xóa mất một bên chỉ trong chốc lát. Đây quả là một mất mát quá lớn đối với ngành du lịch Kiên Giang". Anh Trạng cũng cho hay qua đo đạc, khảo sát hiện trường cho thấy: phần ngọn "hòn Phụ", với tổng chiều cao 33,6m đã bị gãy thành 2 đoạn. Đoạn trên cao khoảng 20m, bị gãy đổ chìm xuống dưới mặt nước biển (lúc thủy triều cao nhất) khoảng 4-5m và cách chân hòn khoảng 15m. Đoạn gốc dài hơn 13m, có đường kính khoảng 20m bị ngã ngang, nhô lên mặt biển khoảng 15m. Theo các chuyên gia ước tính tổng khối lượng 2 đoạn gãy đổ có trên 1.000 tấn. Ngay trong sáng qua 9.8, cơ quan chức năng của huyện Kiên Lương đã tiến hành khảo sát hiện trường. Kết quả bước đầu cho thấy phần chân hòn Phụ còn lại (cao khoảng 4m) có nhiều tảng đá lớn kê chồng lên nhau, trong đó có một tảng bị gãy có chiều ngang 2m, dài 5m, cùng nhiều mảnh vỡ bên cạnh.
Theo chuyện kể của các lão niên xứ này thì hòn Phụ Tử vốn có một truyền thuyết rất hay. Theo đó, từ lâu lắm rồi vùng biển Hà Tiên có một con thuồng luồng hung bạo, chuyên tấn công các thuyền chài để ăn thịt ngư dân. Một ngư dân sống cạnh chùa Hang đau lòng trước cảnh này đã quyết hy sinh thân mình tấn công thuồng luồng biển đặng cứu khổ cho bà con. Ông đã dùng thuốc độc thoa vào cơ thể và làm mồi cho quái thú. Con thuồng luồng đã trúng độc mà chết. Thương thay, khi người con đi tìm cha, bắt gặp mảnh xác còn lại đã ôm vào lòng khóc thương vô hạn. Chẳng may anh ta lại trúng chất độc từ người cha để rồi cũng phải qua đời. Cũng theo các cụ lão niên, sau khi hai cha con ngư dân qua đời trời nổi mưa bão, sấm sét suốt mấy ngày đêm. Lạ lùng thay, nơi thi thể hai cha con ngư dân đã mọc lên hai hòn đá lớn và nhỏ. Hòn to là Phụ và hòn nhỏ là Tử, người ta gọi chung là hòn Phụ Tử. |
Qua đó, cơ quan chuyên môn của huyện Kiên Lương đã đưa ra nhận xét ban đầu: nguyên nhân sập đổ là do mấy ngày qua liên tục có mưa to gió lớn, cộng hưởng với thủy triều gây chấn động mạnh phần chân "hòn Phụ", dẫn đến gãy đổ. Theo chỉ đạo của tỉnh Kiên Giang, trong những ngày tới các chuyên gia sẽ tiếp tục xác định rõ nguyên nhân dẫn đến sự kiện hy hữu này. Là một danh thắng quá nổi tiếng nên việc hòn Phụ Tử không còn nữa đã gây quá nhiều bàng hoàng cho người hay tin. Trao đổi với Thanh Niên vào chiều ngày 9/8, ông Trương Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết: "Quả là một mất mát quá lớn vì danh thắng này từ lâu đã xem như là biểu tượng của cảnh đẹp Kiên Giang. Chúng tôi hiện đang tìm biện pháp để khắc phục, phải khảo sát tường tận để tìm ra phương án cẩu phần gãy rời lên, nếu không được thì tìm cách mô phỏng lại, nhất thiết phải mời chuyên gia am hiểu đến xem xét".
Hòn Phụ Tử đã không còn hòn Phụ (ảnh: Tấn Đức) |
Trong khi chúng tôi thực hiện bài viết này, nhiều người dân trong vùng đã kéo đến để tận mắt chứng kiến sự việc. Chiều tàn, cụ Nguyễn Văn Tôn (80 tuổi) đến từ thị trấn Kiên Lương ngó đăm đăm ra hòn Phụ Tử, bất chợt than: "Phụ đi rồi, tử ở với ai".
Cũng trong chiều qua 9.8, ông Lê Hữu Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã có báo cáo nhanh gửi đến Văn phòng Chính phủ và Bộ Văn hóa - Thông tin. Báo cáo nêu rõ: "Vào lúc 3 giờ 45 ngày 9.8 có gió mạnh, sóng lớn làm cho một bên hòn Phụ Tử, bên hòn Phụ (hòn lớn) cao 33,6 mét bị ngã sang một bên, gãy thành 2 đoạn và chìm xuống nước, chỉ còn lại phần chân đế. Nhận định ban đầu là do hòn có kết cấu đá vôi, bị bào mòn gặp sóng to, gió lớn. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục xem xét, đánh giá và bảo vệ phần còn lại. Tuy nhiên, đây là di tích danh thắng quốc gia đã được xếp hạng. Tỉnh không đủ năng lực nghiên cứu, kết luận cũng như lập phương án trùng tu, tôn tạo. Xin báo cáo khẩn để Bộ VH-TT cử chuyên gia giúp tỉnh xử lý". |
T.Đ - H.H
Bình luận (0)