Vừa trở về từ Liên hoan phim AIFFA 2023 ở Malaysia cuối tuần trước, Hồng Ánh lại tiếp tục lao vào ráp sân khấu, chuẩn bị những khâu cuối cùng để kịp ra mắt vở kịch thể nghiệm Mình kể chuyện mình vào tối 11.8. Với vở kịch này, Hồng Ánh không chỉ tham gia diễn xuất mà còn gánh vác trọng trách của một nhà sản xuất.
Biết rõ thách thức và những rủi ro về mặt doanh thu mà một vở kịch thể nghiệm có thể đem tới, Hồng Ánh vẫn quyết tâm đi đến cùng với dự án để được thỏa đam mê cùng các cộng sự, được gửi đi một tín hiệu về tinh thần đương đại và nỗ lực đổi mới của nghệ thuật sân khấu. "Vở kịch hiện chỉ có 3 suất diễn, khán phòng không quá rộng, vì là thể nghiệm nên sẽ có nhiều thứ lạ lẫm với khán giả nên trước hết chúng tôi cũng muốn thăm dò phản ứng của mọi người trước. Lần này, nếu hòa vốn là ê kíp đã rất mừng chứ chưa tính đến chuyện có lời", Hồng Ánh nói.
Mình kể chuyện mình là mối duyên giữa Hồng Ánh và đạo diễn Đoàn Khoa. Trong một lần tình cờ hội ngộ tại một… đám tang, Hồng Ánh và Đoàn Khoa có dịp ngồi xuống để chiêm nghiệm và nói về phận người, về đại dịch, về những sang chấn, trầm cảm và tổn thương khó giãi bày của con người trong xã hội hiện đại. Vốn trân quý tài năng của người anh lớn đã "ở ẩn" khá lâu, Hồng Ánh "rủ rê" Đoàn Khoa trở lại làm kịch. Từ đó, họ cùng nhau "bắt tay" để làm một vở kịch về thân phận con người và những câu chuyện mà họ không thể nói với nhau.
Cùng mong mỏi mang đến một điều gì đó mới mẻ cho bản thân lẫn bầu không khí chung của kịch nói Sài Gòn, Hồng Ánh và Đoàn Khoa quyết định dàn dựng và kể câu chuyện của mình theo phong cách thể nghiệm, không có cấu trúc ba hồi, không có cốt truyện cụ thể, sân khấu tối giản, có nhân vật còn chẳng có tên. Nhưng họ đều tin vào sức mạnh của những mảnh đời, mẩu chuyện và sự thấu cảm giữa người với người.
Khi được hỏi vì sao hoạt động sân khấu thời nay kém sôi động hơn hẳn so với các loại hình nghệ thuật khác, Hồng Ánh nhận định: "Ở các môn nghệ thuật khác như âm nhạc, điện ảnh, tôi thấy về mặt kỹ thuật, cơ sở vật chất, Việt Nam không có sự chênh lệch quá nhiều so với các nước trên thế giới. Nhưng với sân khấu thì lại chênh quá lớn, chúng ta đang thiếu hụt nhiều sự sáng tạo, về mặt thể hiện, dàn dựng".
"Nhiều năm như thế đã trôi qua, sân khấu an toàn và khán giả cũng quen với sự an toàn đó nên họ mất đi sự tò mò, thắc mắc và hứng khởi. Đó là chưa kể những loại hình khác đang liên tục có sự đổi mới, có vô số sự lựa chọn các loại hình nghệ thuật, giải trí từ trực tiếp cho đến online. Nhân lực mới của ngành không thiếu, nhưng hầu hết đều ở lại trong bộ khung an toàn. Cũng thật khó cho những người làm sân khấu vì họ còn phải cân đối việc kinh doanh, làm mới quá thì cũng sợ không ai tiếp nhận".
Bên cạnh đó, Hồng Ánh cho rằng muốn có sự thay đổi tích cực cho bầu không khí chung của ngành sân khấu, nỗ lực phải đến từ cả nghệ sĩ lẫn khán giả. Nữ diễn viên nói: "Nhìn vào giá vé sân khấu hiện nay, đôi khi tôi buồn và thấy sao quá phi lý. Ra nước ngoài, khi đi xem kịch nói, Broadway hay thậm chí những sân khấu thể nghiệm nhỏ nhưng giá vé bao giờ cũng mắc hơn 5, thậm chí 10 lần giá vé xem phim. Ở Việt Nam, vé xem ca nhạc tầm 1 triệu mọi người sẵn lòng mua, nhưng nếu đó là giá vé của một vở kịch thì họ lại đắn đo ngay. Phần nào có lẽ vì họ không chắc chắn về giá trị mà họ sẽ nhận lại, nó không đủ mạnh, nó không đồng đều. Mong muốn đổi mới, nguồn cơn sáng tạo phải đến từ cả hai phía nghệ sĩ lẫn khán giả, chúng phải gặp nhau. Nghệ sĩ cần kiên trì vì kết quả của việc đổi mới không thể thấy được ngay. Thể nghiệm cái mới luôn tốt nhưng nó cũng phải chạm đến đời sống. Phía khán giả cũng phải đến với những thể nghiệm nghệ thuật bằng tâm thế rộng mở, phóng khoáng. Có thể thích, có thể không, có thể không hiểu tức thì nhưng cũng được kích thích để về tìm hiểu thêm. Còn nếu nghe gì đó mới mà đã từ chối ngay lập tức thì sẽ thật khó khăn. Chỉ như vậy, ta mới có thể cùng nhau xóa bỏ sự đơn điệu và an toàn. Tôi mong qua vở kịch này, chúng tôi có thể tạo nên một nguồn cảm hứng mới cho khán giả và cho các đồng nghiệp. Như vậy là đã mừng lắm rồi".
Bên cạnh Hồng Ánh, Đoàn Khoa, Mình nói chuyện mình còn có sự góp mặt của NSND Kim Xuân, Quang Thảo và Huỳnh Ly. Vở kịch sẽ được trình diễn tại Nhà hát thực nghiệm - Trường múa TP.HCM vào hai đêm 11 và 12.8.2023.
Hồng Ánh: Nghệ sĩ 'kể khổ' khi làm nghệ thuật không phải điều xấu
Bình luận (0)