Bài: Kim Ngọc
Ảnh: NVCC
- Chào chị Hồng Dung, vì sao chị lại tâm huyết với bữa cơm của các gia đình Việt?
Tôi vốn xuất thân từ vùng biển miền Trung, từ nhỏ đã được ăn các loại hải sản tươi sống và thực phẩm sạch. Đến khi chọn TP.HCM là nơi cư trú, tôi muốn được ăn hải sản quê mỗi ngày mà mua ngoài chợ thì không an tâm. Tôi cứ ước rằng có nơi nào đó có thể cung cấp hải sản tươi ngon như quê mình, thực phẩm sạch và an toàn như nhà mình, chỉ cần thèm là ăn mà không phải băn khoăn suy nghĩ. Đó là lý do để tôi bắt đầu mối lương duyên này. Nghĩ về gia đình, trong ký ức mỗi người đều gắn liền với bữa cơm ấm áp đầy tiếng cười và những món ngon mẹ nấu. Sống giữa thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam, nơi mà hàng quán và thức ăn nhanh tiện lợi và đáp ứng mọi nhu cầu thì đôi lúc ta cảm giác bữa cơm gia đình không còn quan trọng nữa. Nhưng thời nào cũng thế, để kiến tạo nên ký ức, để siết chặt tình thân thì không thể thiếu đi những bữa cơm gia đình. Khi vào bếp là niềm vui sau mỗi ngày làm việc thì ta sẽ vào bếp với tất cả đam mê. Đó cũng là sứ mệnh của Phương Dung Seafoods - “Mang tình yêu vào bếp đến vạn nhà”.
“Quan trọng nhất khi kinh doanh hải sản tươi sống và thực phẩm sạch là phải biết hi sinh cái lợi trước mắt để hướng tới lợi ích cộng đồng. Như vậy mới đi dài, đi lâu và đi sâu được”, chị Hồng Dung chia sẻ
- Là một người có nhiều kinh nghiệm về hải sản, chị có thể chia sẻ vài kinh nghiệm chọn hải sản ngon, an toàn cho độc giả Thời Trang Trẻ?
Hải sản là món khoái khẩu của khá nhiều người, nhưng để chọn được những loại tươi ngon nhất chưa hẳn ai cũng khéo, chẳng hạn như: Cua biển: Cua ngon khi còn sống với đầy đủ càng que, yếm bám chắc vào thân, đôi mắt linh hoạt, que càng chuyển động khỏe mạnh, nhanh nhạy là cua ngon. Nên dùng tay ấn vào yếm và chân, nếu rắn chắc là cua nhiều thịt. Không nên chọn cua có lớp vỏ ngoài hơi xanh, ấn tay vào yếm và que thấy mềm vì đó là cua ốp, mọng nước, ít thịt và không ngon. Tuyệt đối không nên mua cua đã chết.
Ghẹ biển: Có nhiều loại như: ghẹ đỏ, ghẹ ba chấm, ghẹ xanh… Nhưng ngon, thơm và bổ dưỡng nhất vẫn là ghẹ xanh. Không nên chọn con quá lớn hoặc quá nhỏ, con vừa phải (khoảng bàn tay người lớn) sẽ nhiều thịt và ngon hơn – rắn chắc – bấm tay vào yếm không lún.
Cá biển: Hiện trạng chúng ta thường gặp là cá bị ướp để được tươi, có vài cách để nhận biết cá bị ướp ure như sau: Mang cá: mang cá còn đọng máu là cá tươi, ngược lại mang không đỏ nhưng nhìn cá vẫn rất tươi thì chắc chắn là đã được ướp qua hàn the hoặc ure.Cá đã ướp ure khi nấu sẽ xuất hiện các bọt đen và xương cá cũng đen Thịt cá nhão, dễ tróc vẩy hoặc ấn tay vào thân cá thấy mềm, mình cá lõm xuống do độ đàn hồi thấp, cá ngửu có mùi lạ chứ không phải mùi tanh đặc trưng của cá….
Khô mực: Khô có màu hồng tự nhiên như đúng với màu da của mực: bụng trắng, lưng hồng. Mực ngon là khi cầm lớp phấn dính trên tay ít, có độ dai, thơm. Không nên chọn mực cứng – khô quá vì khi đó hàm lượng dinh dưỡng của mực giảm nhiều, mất vị ngọt thơm. Đặc biệt đầu mực phải gắn liền và chắc vào thân mực, mực không tươi thường dễ bị rụng đầu. Khô mực câu sẽ ăn ngon hơn khô mực cào/mành.
Phương Dung seafoods bắt nguồn từ tên của hai vợ chồng Dung – Phương.
- Có thuận lợi hay khó khăn gì từ nền tảng 7 năm HR khi chị bắt đầu với Phương Dung seafoods?
Có rất nhiều điều hữu ích mà nghề HR đã giúp cho tôi khởi đầu thuận lợi hơn với doanh nghiệp riêng. Từ quá trình làm việc trong ngành HR mà tôi được rèn luyện về bản lĩnh và kinh nghiệm điều hành, quản lý và khả năng kết nối doanh nghiệp.
Tôi có rất nhiều thuận lợi đấy chứ: tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, đam mê cháy bỏng, được sinh hoạt trong một cộng đồng tử tế với những bậc thầy thành công đầy kinh nghiệm, sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ là Group Phát triển Doanh nghiệp Việt. Tôi có quê hương hải sản, đặc biệt là nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Song song với đó là những khó khăn đến từ nguồn hàng phụ thuộc vào thời tiết nên không ổn định; khó bảo quản, tồn hàng do thu mua trực tiếp từ ngư dân, những khi rộ mùa lại chưa xử lý kịp. Sự cạnh tranh về giá với các siêu thị và chợ. Cửa hàng mới, thương hiệu mới... mọi thứ đều mới nên cần phải dành rất nhiều thời gian, ăn ngủ không đủ giấc, ít gặp gỡ bạn bè và người thân hơn.
Tuy vậy tôi thấy rằng những khó khăn trên là điều hiển nhiên đối với những đơn vị mới, chứ không riêng mình. Nên tôi xử lý theo thứ tự ưu tiên và những điều ấy vẫn nằm trong tầm kiểm soát, mọi thứ đang dần ổn định, tối ưu hóa ngân sách, tìm kiếm người đồng hành cùng chí hướng “chúng tôi vẫn sẽ tốt hơn tôi”.
- Gia đình và bạn bè có ảnh hưởng thế nào đến công việc mà chị đang theo đuổi?
Tôi thấy mình thật may mắn bởi có một gia đình luôn ủng hộ từng bước đi, từ những buổi đầu tiên “chập chững” cho tới giờ. Có một người thầy luôn bên cạnh sẵn sàng cố vấn và hỗ trợ, có những người anh/người chị/người bạn thật chân tình. Đôi lúc tôi cũng thấy áp lực, không phải bởi khó khăn mà bởi ân tình mình nợ quá nhiều. Đó cũng là động lực cho tôi mỗi khi đuối sức không chỉ nói “phải cố gắng” mà tự nói “phải dốc hết sức mình, không thể phụ niềm tin của mọi người được”.
- Đâu là điều chị tâm đắc?
Tôi vẫn mới chỉ đang bắt đầu nên chưa thể nói gì nhiều. Nhưng xin trích dẫn một câu nổi tiếng: “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Tôi tin điều đó và thật sự sẽ là như vậy, khi chúng ta chọn một công việc mà ta yêu thích thì ta sẽ không phải làm việc thêm ngày nào nữa. Hãy tìm cho mình một người thầy, họ sẽ thúc đẩy bạn bước ra khỏi vùng an toàn, họ sẽ giúp bạn nhìn thấy sâu thẳm chính bản thân để bạn vượt qua chính mình, họ cũng sẽ khích lệ bạn cố gắng đạt được thành công như thể đó là thành công của chính họ. Và hãy biết ơn, trân trọng những điều tốt đẹp ấy.
Xin cám ơn chị.