Ảnh: shutterstock |
Ngoài các vấn đề về nấm ngón chân, khô da thì nứt nẻ gót chân có lẽ làm chúng ta khó chịu nhất. Nguyên nhân có thể là: da bị thiếu nước; phải đứng quá lâu cộng thêm với nền nhà thô ráp và gồ ghề; tăng cân nhanh hoặc dư thừa cân; mang giày, dép không đúng kích cỡ; do một số bệnh như tiểu đường, bệnh liên quan đến tuyến giáp, nấm chân, eczema; do tuổi tác, thiếu vitamin và khoáng chất.
Điều trị và ngăn ngừa
Hiện các spa có nhiều dịch vụ chăm sóc chân như đắp parafin để làm mịn da và tạo độ ẩm. Phương pháp này được thực hiện qua nhiều bước, như ngâm chân bằng nước ấm có tinh dầu thơm thư giãn; massage tẩy tế bào chết; đắp parafin nóng ấm lên da chân và massage chân bằng các loại tinh dầu và kem giữ ẩm. Trong parafin có chứa nhiều chất chiết xuất từ thảo mộc giúp cho da săn chắc, tái tạo làn da mềm mại và tươi trẻ. |
Lưu ý : Không đi chân trần bởi chân sẽ dễ bị thương và nhiễm trùng, nhất là ở hồ bơi, nhà tắm công cộng. Không sử dụng các loại giày có lót trên bằng nhựa, giả da hay simili. Chọn loại có miếng đệm để bảo vệ phần sau của chân khi đi, chạy.
Giữ da chân trắng ngần, mềm mại
Trước khi tẩy tế bào chết, bạn cần rửa sạch chân bằng xà bông, rồi dùng kem tẩy tế bào chết thoa đều lên chân. Chờ khoảng 5 phút, sau đó dùng khăn mềm hoặc miếng bọt biển nhẹ nhàng thoa kỹ lên bề mặt da để lấy đi các tế bào chết.
Nếu không có kem tẩy, bạn có thể dùng muối ăn, loại hạt mịn, để thay thế. Lưu ý nhẹ tay để tránh gây trầy xước, tổn thương cho da.
Sau đó, dùng lotion hoặc kem dưỡng da thoa đều khắp lượt (nên sử dụng hằng ngày để giúp da mềm mại và săn chắc). Có thể kết hợp dùng thoa cho tay thì càng tốt. Cần lưu ý chế độ ăn uống không khoa học, thiếu chất cũng là tác nhân gây nứt gót chân.
Võ Ngọc Dung
(Chuyên viên thẩm mỹ)
Bình luận (0)