Hồng Kông khảo sát thị trường tại Hà Nội và TP.HCM

20/06/2007 18:02 GMT+7

Hôm nay 20.6, tại khách sạn Sheraton, Hội đồng phát triển thương mại Hồng Kông (HTDC) do ông Peter Woo dẫn đầu đã có buổi tiếp xúc với giới truyền thông TP.HCM để thông báo về mục đích của chuyến khảo sát Việt Nam lần này (18-21.6.2007).

Được biết, phái đoàn cao cấp HTDC đã có các cuộc tiếp xúc tại Hà Nội với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (Vietrade).

Theo ông Peter Woo - Chủ tịch HTDC, mục đích của chuyến khảo sát Việt Nam lần này là nhằm tìm hiểu môi trường đầu tư và phát triển cơ hội thương mại giữa Hồng Kông với các địa phương của Việt Nam. Đoàn gồm 15 thành viên là chủ tịch và các lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn và công ty lớn của Hồng Kông. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên ông Chủ tịch HTDC trực tiếp tham gia đoàn.


Ông Peter Woo đang trao đổi với các đối tác Việt Nam  (Ảnh: Vĩnh Bảo)

Các công ty và tập đoàn tham gia chuyến khảo sát bao gồm: Giordano International Ltd, TAL Apparel Ltd, Lee Heng Diamond co.., Ltd, Continental Holding Ltd, Chevalier International Holdings Ltd, Taifook Securities Group Ltd, ICBC (Asia) Ltd, Pacific Alliance Group, Hongkong Stockbrokers Association, Crown Wordwide Holding Ltd, G.E.W Corporation Ltd,...Đây là những công ty và tập đoàn lớn của Hồng Kông, kinh doanh thành đạt và có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực may mặc, đá quý và đồ trang sức, tiền tệ, chứng khoán, vận tải và logistic, điện tử, đồ điện, nhà đất và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nhấn mạnh về mục đích chuyến đi, ông Peter Woo cho biết: "Hiện nay, thị trường Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), lợi thế về thu hút đầu tư nước ngoài tăng lên, nguồn nhân lực dồi dào với mức lương thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục trong nhiều năm liền. Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, việc hợp tác trong kinh doanh và thương mại giữa các đối tác, các khu vực (business to business) là rất quan trọng. Hồng Kông được đánh giá là nền kinh tế tự do nhất thế giới và là trung tâm tài chính, dịch vụ quốc tế hàng đầu của châu Á. Trong khi đó, Việt Nam và đặc biệt là TP.HCM đang có tốc độ hội nhập ngày càng mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, Hồng Kông và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng và chúng ta có thể nói chung một ngôn ngữ trong kinh doanh và thương mại".

Đánh giá về thị trường Việt Nam và trao đổi thương mại hai chiều trong năm 2006, ông Peter Woo nói: "Hàng hoá của Việt Nam xuất đi nhiều nước trong đó có thị trường Mỹ ít bị ràng buộc hay hạn chế, có nhiều ưu thế cạnh tranh đối với mặt hàng may mặc và điện tử nếu đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Năm 2006, kim ngạch buôn bán giữa Hồng Kông với Việt Nam tăng 19,5% và đạt kim ngạch trên 2,1 tỉ USD. Về đầu tư, Hồng Kông đã đầu tư vào Việt Nam 375 dự án với tổng số vốn đạt 5,2 tỉ USD. Tính riêng từ tháng 1 đến tháng 9/2006, Hồng Kông đã đầu tư vào Việt Nam 600 triệu USD, tập trung vào sản xuất các mặt hàng chế tạo, công nghiệp nhẹ, nhà đất. Hồng Kông hiện là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ năm tại Việt Nam. Sức mua của thị trường nội địa Việt Nam cũng tăng lên đáng kể, do vậy các nhà sản xuất và kinh doanh các mặt hàng điện tử, quà tặng, đồ trang sức, nguyên liệu dệt may, đồng hồ và đồ chơi nên quan tâm đầu tư sản xuất tại thị trường Việt Nam để tham gia vào thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong lĩnh vực dịch vụ, các nhà đầu tư Hồng Kông cũng quan tâm đến thị trường chứng khoán, nhà đất và xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo và tư vấn (ICT). Việt Nam đang chú trọng phát triển ngành du lịch, phấn đấu trở thành trung tâm và là điểm đến của du lịch thế giới. Đến năm 2010, dự kiến đón 6 triệu khách du lịch nước ngoài, trong khi đó ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có nhiều khách sạn lớn, thiếu phòng và thiếu văn phòng làm việc cho thuê, trong lĩnh vực này Hồng Kông có mối quan hệ, có kinh nghiệm quản lý, có vốn do vậy nên sẽ quan tâm đầu tư trong thời gian tới tại Việt Nam. Trong kế hoạch xây dựng "hai hành lang, một vành đai" giữa Trung Quốc và Việt Nam, các công ty của Hồng Kông cũng có nhiều thuận lợi nếu tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng như đường xá, cảng biển, logistic...".

Cuối buổi họp báo, ông Peter Woo đã lần lượt trả lời các câu hỏi của báo giới có liên quan đến những vấn đề như việc các doanh nghiệp Việt Nam muốn niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, việc một số công ty Hồng Kông muốn chuyển nhà máy, xưởng sản xuất sang Việt Nam, vấn đề hợp tác giữa HTDC với VCCI và Vietrade trong việc chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm trong kinh doanh,...

Chiều nay, phái đoàn cao cấp HTDC đã có cuộc tiếp xúc với đại diện VCCI chi nhánh TP.HCM trước khi trở về Hồng Kông vào sáng mai.

Vĩnh Bảo (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.