Mỗi dịp Tết đến, những người độc thân ở Hồng Kông lại đăng quảng cáo tuyển bạn gái/bạn trai giả mạo để đưa về nhà ra mắt gia đình.
Một cặp đôi làm đám cưới trong nhà hàng thức ăn nhanh McDonald's ở Hồng Kông - Ảnh: Reuters |
Tết Bính Thân đang đến gần, những người độc thân một lần nữa đối đầu với áp lực từ các buổi họp mặt gia đình. Trong những mẫu quảng cáo xuất hiện trên ứng dụng Jobdoh của Hồng Kông, nhiều người độc thân rao giá 32 USD cho một lần “diễn xuất” đóng vai bạn trai/bạn gái, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông).
“Có nhiều người trả lời các mẫu quảng cáo hơn tôi kỳ vọng”, bà Xania Wong, nhà đồng sáng lập ứng dụng Jobdoh, cho biết.
Mặc dù đóng giả bạn gái/bạn trai ra mắt gia đình dịp Tết nghe có vẻ là một việc cực kỳ đơn giản, nhưng thực tế không như vậy.
“Anh phải thuộc lòng tất cả thông tin do tôi cung cấp, chẳng hạn chúng ta lần đầu tiên gặp nhau ở đâu, khi nào đám cưới. Anh phải hành xử như một người đàn ông bản lĩnh, ga lăng, không chửi tục và không hút thuốc”, theo mẫu quảng cáo tuyển bạn trai giả của một người phụ nữ.
“Tất nhiên anh không được hôn tôi, nhưng nắm tay và ôm nhẹ có thể cần thiết để trông như một cặp thực thụ. Lý tưởng nhất là anh biết chơi mạt chược và uống càng nhiều rượu bia càng tốt”, theo mẫu quảng cáo.
Giờ làm việc không cố định vì không ai lường trước được những buổi họp mặt gia đình có thể kéo dài trong bao lâu, cũng theo mẫu quảng cáo.
Những ai quan tâm đến mẫu quảng cáo có thể gửi một đoạn video dài 30 giây đến Jobdoh, giải thích vì sao họ là ứng cử viên sáng giá nhất. Các nhân viên của Jobdoh sẽ đánh giá, sàng lọc các ứng viên và gửi thông tin cho người đăng quảng cáo.
“Nếu bạn có thể tự giới thiệu bản thân đầy đủ thông tin và cười nhiều hơn, bạn sẽ có cơ hội thành công”, người phụ nữ tuyển bạn trai giả viết trong mẫu quảng cáo.
Tiến sĩ Lau Yuk-king, chuyên gia nghiên cứu xã hội học thuộc Đại học Trung văn Hồng Kông, nhận định phụ nữ Hồng Kông khó tìm chồng bởi họ luôn muốn người đàn ông học cao hơn và kiếm nhiều tiền hơn họ.
“Bản thân đàn ông Hồng Kông cũng vậy, họ luôn giữ suy nghĩ truyền thống rằng chồng phải kiếm nhiều tiền hơn vợ”, tiến sĩ Lau cho biết thêm.
Bình luận (0)