Khu vực giáp ranh giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục sẽ được phát triển thành Khu đô thị phương bắc mới với 2,5 triệu dân trong 20 năm |
Chụp màn hình SCMP |
Trong bài phát biểu về chính sách thường niên tại Hội đồng Lập pháp hôm 6.10, Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga công bố Chiến lược phát triển Khu đô thị phương bắc cho khu vực giáp ranh giữa Hồng Kông với thành phố Thâm Quyến ở Trung Quốc đại lục, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Chiến lược này kêu gọi phát triển một khu vực có diện tích 300 km2, chiếm 27% tổng diện tích của Hồng Kông, thành một trung tâm công nghệ thông tin quốc tế.
“Khu vực quan trọng nhất”
Khi công bố chiến lược phát triển Khu đô thị phương bắc, bà Lâm nhấn mạnh: “Đó là khu vực sôi động nhất với sự phát triển đô thị và tăng trưởng dân số mạnh của Hồng Kông sẽ diễn ra trong 20 năm tới”. Bà còn nhấn mạnh, với 7 chốt kiểm soát ranh giới trên bộ, Khu đô thị phương bắc sẽ là “khu vực quan trọng nhất ở Hồng Kông mà sẽ tạo điều kiện cho sự hòa nhập phát triển của chúng ta” với Thâm Quyến và nhiều thành phố khác thuộc tỉnh Quảng Đông và cả Macau, theo SCMP.
Khu đô thị phương bắc sẽ bao gồm 6 thị trấn hiện hữu và 6 khu đô thị phát triển mới. Một khi Khu đô thị phương bắc được phát triển toàn diện, sẽ có tổng cộng từ 905.000 đến 926.000 căn hộ phục vụ cho dân số khoảng 2,5 triệu người. Tổng số việc làm sẽ gia tăng một cách bền vững từ 116.000 hiện nay lên khoảng 650.000, trong đó có 150.000 việc làm liên quan sáng tạo và công nghệ. Theo chiến lược mới, một khu vực rộng 1.100 ha dành cho những tài năng về công nghệ, còn được gọi là Thung lũng Silicon của Hồng Kông” sẽ được xây dựng tại Khu đô thị phương bắc.
Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga phát biểu tại cuộc họp báo sau khi công bố Chiến lược phát triển Khu đô thị phương bắc ngày 6.10 |
Reuters |
Bà Lâm công bố chiến lược trên trong bối cảnh chính quyền Hồng Kông đang đối mặt áp lực giải quyết tình trạng thiếu nhà ở với giá có thể chấp nhận được. Số lượng nhà ở được cung cấp tại Hồng Kông không bắt kịp với nhu cầu và bất động sản ở thành phố này thuộc diện đắt nhất trên thế giới, theo AP. Một căn hộ chật hẹp ở Hồng Kông có giá trung bình 28.570 USD/m2, cao hơn 2,5 lần so với giá ở Trung Quốc đại lục. Phần lớn trong 7,4 triệu dân ở Hồng Kông sống trong những tòa nhà chung cư cao tầng do chính quyền đầu tư.
Thiếu biện pháp ngắn hạn?
Một số chuyên gia nghi ngờ về khả năng chiến lược mới có thể giúp giải quyết vấn đề nhà ở của Hồng Kông trong tương lai gần. Phó trưởng khoa xây dựng và bất động sản tại Đại học Bách khoa Hồng Kông Eddie Hui cho rằng đặc khu trưởng Lâm không đề cập nhiều những biện pháp ngắn hạn nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng hiện nay và số căn hộ mới do bà đưa ra trong chiến lược mới ít hơn so với mong đợi.
Nhà kinh tế học phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis SA (Pháp) Alicia Garcia Herrero thì cho rằng xét về vị trí và quy mô, Khu đô thị phương bắc có thể phục vụ dân nhập cư từ Trung Quốc đại lục, giảm quan ngại về “sự suy giảm dân số đột ngột của Hồng Kông”. Dân số Hồng Kông giảm tới 1,2% trong năm qua, khi có gần 90.000 người đã rời khỏi đặc khu giữa lúc có làn sóng di cư sau khi Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia ở thành phố này từ cuối tháng 6.2020, theo SCMP.
Đặc khu trưởng Hồng Kông chỉ trích "tiêu chuẩn kép" của Mỹ về biểu tình bạo động |
Luật an ninh quốc gia được đưa ra theo sau nhiều tháng biểu tình phản đối chính quyền ở Hồng Kông trong năm 2019. Giới chức Trung Quốc xem tình trạng giá nhà quá cao, khiến nhiều người dân ở đặc khu không thể mua được nhà là “chất xúc tác” cho phong trào biểu tình. Phe phản đối cho rằng luật an ninh quốc gia đang được dùng để dập tắt các quyền tự do được cam kết trong mô hình “một quốc gia, hai chế độ” vốn đã được nhất trí khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, theo Reuters.
Trong khi đó, Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông lập luận luật an ninh quốc gia cần thiết cho việc bảo đảm sự thịnh vượng và chống lại sự can thiệp từ bên ngoài. “Thật may, việc thực hiện luật an ninh quốc gia và sự cải thiện hệ thống bầu cử đã khôi phục an toàn và ổn định trong xã hội. Hồng Kông hiện sẵn sàng một lần nữa cho sự khởi đầu mới về phát triển kinh tế”, bà Lâm nhấn mạnh trong bài phát biểu hôm 6.10.
Bình luận (0)