(TNO) Người biểu tình vẫn kiên quyết bám trụ trên đường phố Hồng Kông, nhưng không khí vào trưa hôm nay khá bình yên. Có thể đây chỉ là khoảng lặng trước cơn giông khi tối hậu thư yêu cầu thời hạn Đặc khu trưởng từ chức kết thúc vào nửa đêm nay.
|
Trưa nay, 2.10, tôi quay trở lại khu vực Admiralty (Kim Chung) nơi tập trung trụ sở chính quyền, tòa nhà làm việc của Đặc khu trưởng Hồng Kông và tòa nhà lập pháp (Legco), tình hình có vẻ yên ắng.
Khu vực vỉa hè trước tòa nhà làm việc của Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh bị rào chắn, nhưng lực lượng cảnh sát rải rác, và không có vẻ gì là căng thẳng. Có thể đây chỉ là khoảng yên lặng trước cơn giông khi tối hậu thư của giới học sinh, sinh viên yêu cầu thời hạn Đặc khu trưởng từ chức kết thúc vào nửa đêm nay (2.10).
Tối qua, 1.10, khi có mặt ở khu Admiralty, tôi đã thấy phóng viên của các hãng thông tấn lớn trên thế giới như AP, BBC, Al Jazeera trực chiến ngay trên cầu bộ hành nối vào tòa nhà chính quyền. Có lẽ là họ muốn chứng kiến giây phút giới trẻ Hồng Kông chiếm giữ các tòa nhà chính quyền như đe dọa trước đó. Tuy nhiên, thật ra tối hậu thư mà hai nhóm học sinh, sinh viên gồm Tổng Hội Sinh Viên (HKFS) và Học Dân Tư Triều (Scholarism) đòi Đặc khu trưởng từ chức là vào tối thứ năm, tức hôm nay (2.10).
|
Hai sinh viên mà tôi phỏng vấn trưa nay, Woody Chan, 19 tuổi và David Ngan, 20 tuổi, đều cho biết họ vẫn chưa biết cuộc biểu tình bất tuân dân sự (civil disobedience) này kéo dài đến khi nào. Họ cho biết sẽ bám trụ ít nhất là cho đến tuần tới. Khi được hỏi liệu các bạn có đồng ý thực hiện hành vi chiếm giữ tòa nhà chính quyền hay không, thì Woody và David đều trả lời là không.
Tuy nhiên, Woody và David bổ sung rằng mỗi người một nhiệm vụ và họ vui vẻ khi làm nhiệm vụ cung cấp nước suối và thực phẩm cho người biểu tình.
|
Woody và David tiêu biểu cho một thế hệ trẻ Hồng Kông tranh đấu phi bạo lực cho lý tưởng của mình. Khi được hỏi, liệu bố mẹ của họ có phản đối hành động xuống đường hay không thì cả hai đều trả lời là bố mẹ không phản đối, nhưng cũng không lấy gì làm vui vẻ.
Tôi cũng chứng kiến các bạn học sinh trung học rút trong balô của mình từng chai nước, quyên cho trạm tiếp tế. Các trạm tiếp tế của giới trẻ ghi rõ là họ chỉ cần quyên thực phẩm, không cần quyên tiền. Có vẻ giới trẻ Hồng Kông biết họ đang cần gì, và sẽ phải làm gì để bảo đảm cho cuộc kháng nghị giữ vững được mục tiêu đề ra.
|
Cuộc biểu tình trên đường phố Hồng Kông sắp kết thúc tuần đầu tiên, nhưng giới trẻ Hồng Kông tỏ ra kiên định với đường lối của mình, và họ sẵn sàng cho một cuộc đấu sức dài ngày. Nhiều bạn trẻ thậm chí mang bài vở ra khu vực biểu tình học bài.
Ngày 1.10 và ngày 2.10 là ngày nghỉ lễ ở Hồng Kông bởi đây là dịp Quốc Khánh Trung Quốc và Tết Trùng Dương (mùng 9.9 âm lịch), chính vì vậy các cơ quan nhà nước và trường học đều đóng cửa. Ngày 3.10, đời sống thường nhật trở lại bình thường và đây chính là thời điểm quan trọng cho phong trào đòi quyền bỏ phiếu của giới trẻ Hồng Kông.
Giới kinh doanh Hồng Kông nhiều thế lực hiện bị ảnh hưởng bởi phong trào này vẫn chưa lên tiếng. Theo Sở Tiền tệ Hồng Kông ngày hôm qua, chỉ số chứng khoán Hang Seng đã sụt giảm 9% và các ngân hàng đã đóng cửa 44 chi nhánh do biểu tình. Nếu cuộc biểu tình kéo dài đến tuần sau thì học sinh, sinh viên sẽ bước vào tuần lễ thứ 3 bãi khóa. Giới kinh doanh cũng có thể sẽ cảm thấy bị ảnh hưởng rõ ràng hơn.
>> Yêu cầu Hồng Kông đảm bảo an toàn cho công dân Việt Nam
>> Đặc khu trưởng Hồng Kông sẽ để cuộc biểu tình tự lắng
>> Tập Cận Bình chỉ định Uông Dương xử lý biểu tình Hồng Kông
Bình luận (0)