Hồng Kông xây đảo nhân tạo

Khánh An
Khánh An
25/10/2018 07:51 GMT+7

Dự án đầy tham vọng nhằm xây hàng loạt đảo nhân tạo phục vụ 1,1 triệu dân ở Hồng Kông đang vướng nhiều tranh cãi.

Nổi tiếng với những căn hộ chật chội được bán với giá đắt đỏ hàng đầu thế giới, Hồng Kông đang đau đầu giải quyết chỗ ở cho 7,4 triệu dân giữa bối cảnh thiếu quỹ đất trầm trọng. Theo tờ South China Morning Post, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga vừa công bố dự án đầy tham vọng nhằm xây hàng loạt đảo nhân tạo ở phía đông đảo Đại Nhĩ Sơn với tổng diện tích 1.700 ha nhằm cung cấp chỗ ở cho 1,1 triệu người.
Với tên gọi “Lantau Tomorrow Vision” (tạm dịch: Tầm nhìn Đại Nhĩ Sơn ngày mai), dự án sẽ phát triển đảo tại các khu vực được chọn lọc từ nhiều vị trí khác nhau trên biển. Chính quyền Hồng Kông chưa công bố vốn đầu tư, nhưng truyền thông dự đoán con số này có thể lên đến 500 tỉ HKD (khoảng 1,49 triệu tỉ đồng). “Dự án nhằm đem lại hy vọng cho người dân về phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và đáp ứng nhu cầu việc làm, nhà ở”, bà Lâm nói.
[VIDEO] Hồng Kông sốt giá nhà đất, đến ‘căn hộ ma ám’ cũng được săn đón
Theo khảo sát của Công ty tư vấn quy hoạch đô thị Demographia, thị trường nhà đất Hồng Kông đứng đầu về tiêu chí khiến người dân “khó đủ khả năng chi trả” nhất trong số 300 thành phố trên thế giới. Giá trung bình mỗi mét vuông căn hộ khu vực trung tâm có thể lên đến 220.000 HKD (khoảng 655 triệu đồng), theo trang Numbeo. Mới đây, một cặp vợ chồng vừa bán chỗ đậu xe hơi tại khu Cửu Long với giá 6 triệu HKD và lập kỷ lục mới về chỗ đậu xe đắt nhất thế giới. Chỗ đậu xe này có diện tích 2,5 x 5 m, nằm trong dự án khu dân cư Ultima và tính ra mỗi mét vuông có giá 1,42 tỉ đồng.
Chính quyền Hồng Kông cho biết các đảo nhân tạo sẽ là nơi tọa lạc của 400.000 căn hộ, trong đó khoảng 70% để ở và phục vụ 15% dân số đặc khu. Theo giới chức Hồng Kông, Singapore và Macau có nhiều đặc điểm tương đồng nhưng đã lấn biển đáng kể so với diện tích ban đầu, trong đó Singapore mở rộng diện tích 24% trong khi Macau tăng 160%. Theo trang web của Lực lượng đặc nhiệm về nguồn cung đất của Hồng Kông, việc xây đảo là phát triển “xanh, thông minh và mang tính linh động”. Các biện pháp về kỹ thuật hiện đang được cân nhắc, bao gồm cả việc bơm bê tông xuống đáy biển để xây đảo.
[VIDEO] Hồng Kông tấc đất tấc vàng, chỗ đậu xe giá đắt hơn nhà ở Mỹ
Trong khi đó, nhiều chuyên gia và tổ chức cho rằng đây là kế hoạch rất tốn kém và thời gian hoàn thành trong 25 - 30 năm là quá lâu. Bên cạnh đó, giới khoa học cảnh báo các đảo nhân tạo mới sẽ gây tác hại không thể phục hồi cho hệ sinh thái và thay đổi dòng chảy đại dương. South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Leung Wing-mo, cựu trợ lý giám đốc Cơ quan Khí tượng Hồng Kông, cảnh báo đặc khu này sẽ ngập thêm gần 1 m nước trong vòng 100 năm tới. Khi đó, khoảng 45 triệu người tại Hồng Kông, Thiên Tân và Thượng Hải sẽ phải di dời và các đảo nhân tạo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nhà đồng sáng lập tổ chức chống biến đổi khí hậu 350 Hong Kong Ringo Mak cho rằng nếu cân nhắc bối cảnh biến đổi khí hậu thì chi phí dự án sẽ tăng lên gấp đôi. Dự án còn vấp phải phản đối mạnh mẽ từ công chúng, khoảng 5.800 người đã xuống đường biểu tình vào hôm 14.10.
Không thể chờ đợi
Theo tờ South China Morning Post, quan chức phụ trách cơ quan phát triển Hồng Kông Michael Wong thông báo chính quyền sẽ đề xuất vốn đầu tư cho việc nghiên cứu dự án vào quý 1 hoặc quý 2/2019. Công việc nghiên cứu sẽ tập trung vào giai đoạn 1 của dự án nhằm phát triển đảo nhân tạo rộng 1.000 ha gần đảo Kau Yi Chau, nhưng cũng sẽ có tính toán cho một đảo khác rộng 700 ha gần Hei Ling Chau. Theo ông Wong, chính quyền không có “sự chờ đợi xa xỉ” đến năm sau mới tính toán và công bố về dự án vì đất ở Hồng Kông đang thiếu trầm trọng. Ông cho biết kế hoạch sẽ được đem ra tham vấn công khai trước lo ngại của người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.