5 giờ chiều nay, 18.1, Bộ Giao thông vận tải tổ chức họp báo triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 với nhiều nội dung nóng liên quan đến các bất cập tại dự án BOT hiện nay.
Cuộc họp báo có sự tham dự của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và Bộ Thông tin - Truyền thông.
Mở đầu họp báo, dẫn ra ví dụ về trạm BOT Cai Lậy bị người dân phản ứng gây ùn ứ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho rằng cần nhìn lại lịch sử triển khai các dự án BOT cách đây 5 - 6 năm.
"Bộ Giao thông vận tải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hệ thống các trạm BOT và đang rà soát. Chính phủ đã giao trong năm 2018 phải giải quyết cơ bản các vấn đề BOT", ông Thể nói.
Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, từ đầu năm 2016 đến tháng 7.2017, tại một số trạm thu phí như trạm cầu Hạc Trì, quốc lộ 32, quốc lộ 6, Cầu Giát, Bến Thủy, Quảng Bình, Hưng Yên xảy ra hiện tượng các hộ dân khu vực tập trung phương tiện dàn hàng ngang phản đối chính sách phí chưa công bằng.
Theo Bộ GTVT, từ ngày 1.1.2017, khi luật Giá có hiệu lực, Bộ đã làm việc với các nhà đầu tư, địa phương thống nhất chủ trương giảm giá cho các đối tượng bị ảnh hưởng vùng lân cận trạm thu giá. Với giải pháp này, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, đến nay, đều nhận được sự đồng thuận của người dân và vận hành ổn định.
Giai đoạn từ tháng 8.2017 đến nay, Bộ GTVT tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các địa phương, nhà đầu tư đã giảm giá cho các trạm trên toàn quốc tương tự như 6 trạm trên. Đến nay, Bộ GTVT đã miễn, giảm giá cho các phương tiện khu vực lân cận trạm thu giá tại 51 dự án/55 dự án đã khai thác.
'Tài xế phản ứng ngày càng manh động'
Tuy nhiên, tình hình mất an ninh trận tự tại các trạm thu phí ngày càng phức tạp, lan rộng và manh động; coi thường pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, quyền và lợi ích chính đáng của những công dân tuân thủ pháp luật, điển hình tại Trạm thu giá Cai Lậy, Trạm Trảng Bom - Biên Hòa, Trạm Sóc Trăng.
Đến nay, việc phản ứng của một nhóm tài xế ngày càng manh động, lan rộng đến cả những trạm thu giá của dự án khác, kể cả các dự không đầu tư xây dựng tuyến tránh như: Trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp, trạm Sông Phan - tỉnh Bình Thuận, trạm phía Bắc tỉnh Khánh Hoà, Trạm Ninh An, Trạm Cam Thịnh...
Các hành vi phản ứng điển hình tại các trạm như một số lái xe có hành vi cản trở các phương tiện qua trạm, cố tình không mua vé, dàn hàng hang, không di chuyển theo hướng dẫn của nhân viên trạm, cố tình gây ùn tắc. Một số lái xe cố tình điều khiển xe tông hỏng barier để vượt trạm; đỗ xe trong phạm vi trạm để lau chùi, rửa xe; quay lại đòi lại tiền đã mua vé với lý do có xe đi sau không phải mua vé khi xả trạm.
Hiện tượng đáng chú ý là có một số đối tượng lôi kéo, kích động lái xe phản đối việc mua vé; cản trở các tài xế mua vé hoặc đe dọa nhân viên bán vé lặp lại nhiều lần tại các trạm thu giá từ miền Trung đến các tỉnh Tây Nam bộ gây ùn tắc, mất an ninh trật tự ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của những công dân tuân thủ pháp luật.
Bộ thừa nhận vị trí đặt trạm bất cập
Qua rà soát và làm việc với chính quyền địa phương và các bên có liên quan, Bộ GTVT đánh giá tình hình mất an ninh, trật tự tại các trạm thu giá do những nguyên nhân cơ bản dưới đây.
Thứ nhất, việc đưa các trạm thu phí vào hoạt động dẫn đến các phương tiện đang được sử dụng đường miễn phí phải trả phí, người sử dụng có tâm lý phản đối việc thu phí.
Thứ hai, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư này chưa hoàn thiện, chưa phù hợp thực tế; quá trình xây dựng văn bản pháp luật điều chỉnh hình thức BOT, đặc biệt chính sách phí chưa lường hết được các tác động đối với người sử dụng đường.
Thứ ba, việc lựa chọn vị trí đặt trạm và chính sách phí tại một số dự án còn bất cập. Đối với các quốc lộ, chỉ áp dụng được hình thức thu phí lượt và hình thức này có hạn chế là chỉ đáp ứng được tính công bằng một cách tương đối (người dân ở gần trạm thu phí đi quãng đường ngắn nhưng vẫn phải trả phí trong khi đó những người đi quãng đường dài 40 - 50 km ở khoảng giữa hai trạm thu phí thì vẫn không phải trả phí).
Thứ tư, chất lượng phục vụ dịch vụ đường của nhà đầu tư còn hạn chế, để hư hỏng, xuống cấp không kịp thời sửa chữa.
Thứ năm, Bộ GTVT, nhà đầu tư chưa tuyên truyền và chưa phối hợp tốt với các địa phương và các bộ, ngành; nhiều địa phương e ngại xử lý tình hình an ninh, trật tự chưa thực sự hiệu quả, chưa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; có những địa phương còn xin miễn giảm 100% giá các phương tiện xe biển xanh trên địa bàn tỉnh như các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Khánh Hòa...
Bình luận (0)