Sáng 14.2, tiếp tục phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội (Nghị quyết), trong đó có nội dung về họp bất thường.
Theo dự thảo do Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày, Nghị quyết gồm 5 chương với 19 điều, trong đó quy định chi tiết về thủ tục kỳ họp bất thường; kỳ họp theo hình thức trực tuyến hoặc kết hợp giữa hợp trực tuyến và trực tiếp; cũng như hồ sơ nhân sự, thể lệ bỏ phiếu kín…
Về kỳ họp bất thường, dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết khoản 3 điều 1 của Nội quy kỳ họp Quốc hội về kỳ họp bất thường theo hướng quy định cụ thể về cách thức xử lý yêu cầu của các chủ thể có thẩm quyền về việc tổ chức kỳ họp bất thường gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng; đại biểu Quốc hội; và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình yêu cầu hoặc khi nhận được yêu cầu của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội về việc tổ chức kỳ họp bất thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan, tổ chức chuẩn bị nội dung được đề nghị trình Quốc hội.
Trong đó có yêu cầu về thời hạn gửi hồ sơ đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp.
Cũng theo dự thảo Nghị quyết, trên cơ sở xem xét hồ sơ tài liệu do các cơ quan có thẩm quyền trình, ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc triệu tập kỳ họp bất thường.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng theo Nội quy kỳ họp vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 4 (tháng 10.2022) thì việc triệu tập kỳ họp bất thường phải trước 7 ngày. Như vậy, có cần quy định cụ thể trong nghị quyết để đảm bảo việc triệu tập kỳ họp bất thường đảm bảo thời gian này hay không?
"Quy định như dự thảo thế này cũng không rõ yếu tố thời hạn. Phải quy định thế nào để đảm bảo quy định về thời gian. Vì nếu không quy định đúng, đại biểu Quốc hội có thể thắc mắc và từ chối", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Tương tự, với quy định về thời hạn gửi hồ sơ đến các cơ quan Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng phải nghiên cứu quy định để đảm bảo khả thi.
Nêu thực tiễn có kỳ họp bất thường chỉ nói triệu tập kỳ họp để làm công tác nhân sự chứ nội dung cụ thể thì chưa công bố được. Việc gửi hồ sơ, tài liệu cũng không thể đảm bảo gửi trước 7 ngày, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Kỳ họp bất thường liên quan nhân sự thì không thể đòi hỏi triệu tập trước 7 ngày như bình thường được. Như kỳ họp bất thường vừa rồi. Cho nên quy định phải làm sao chặt chẽ để có cơ sở pháp lý cho các cơ quan thực hiện".
Quốc hội khóa XV (từ 2021) tới nay đã triệu tập 3 kỳ họp bất thường. Trong đó, riêng trong tháng 1 vừa qua, Quốc hội đã triệu tập 2 kỳ họp bất thường đều có nội dung liên quan tới công tác nhân sự. Riêng kỳ họp bất thường thứ 3 chiều 18.1 chỉ diễn ra trong 1 buổi chiều, làm nội dung miễn nhiệm Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Bình luận (0)