Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Lê Hiệp
Lê Hiệp
18/01/2023 17:25 GMT+7

Với 465/482 đại biểu bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, cho thôi làm đại biểu Quốc hội đối với ông Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp bất thường thứ 3 Quốc hội XV, chiều 18.1.

Chiều 18.1, Quốc hội họp kỳ bất thường lần thứ 3 để xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Kỳ họp bất thường thứ 3 Quốc hội khai mạc chiều 18.1

phạm thắng

Với 465/482 đại biểu bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026; cho thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Current Time0:00
/
Duration0:00

0:00
Ông Nguyễn Xuân Phúc thôi chức Chủ tịch nước

Trước đó, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước; cho thôi làm đại biểu Quốc hội đối với ông Nguyễn Xuân Phúc là Nghị quyết số 35 ngày 17.1 tại Hội nghị bất thường của T.Ư Đảng khóa XIII; thông báo ý kiến của Bộ Chính trị tại Công văn số 5918 ngày 13.1 của Văn phòng T.Ư Đảng.

Cùng đó là đơn ngày 15.1 xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV của ông Nguyễn Xuân Phúc, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Bên cạnh đó là các ý kiến Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Công văn số 5091 ngày 17.1, ý kiến của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tại Công văn 43 ngày 17.1.

Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, theo quy định tại khoản 5 điều 88 Hiến pháp, Chủ tịch nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, vì vậy, khi Quốc hội miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước thì đương nhiên thôi chức danh Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng an ninh.

Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp bất thường thứ 3

phạm thắng

Sau khi nghe tờ trình, Quốc hội thảo luận tại các đoàn đại biểu. Sau đó, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín quyết định việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026; cho thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Một ngày trước, ngày 17.1, T.Ư Đảng đã họp bất thường quyết định đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026, theo nguyện vọng cá nhân.

Current Time0:00
/
Duration0:00

0:00
Bà Võ Thị Ánh Xuân làm quyền Chủ tịch nước

Ông Nguyễn Xuân Phúc có đơn xin thôi giữ các chức vụ

Tại hội nghị bất thường chiều 17.1, T.Ư Đảng khẳng định, ông Nguyễn Xuân Phúc chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Trong đó, 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.

“Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, đồng chí đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu”, thông cáo của Văn phòng T.Ư Đảng cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Phúc chính thức thôi chức Chủ tịch nước

gia hân

Ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay 69 tuổi (sinh ngày 20.7.1954), quê quán ở xã Quế Phú, H.Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; trình độ cử nhân kinh tế.

Ông là cử nhân kinh tế Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội (năm 1978). Ông từng học quản lý kinh tế tại ĐH Quốc gia Singapore trong giai đoạn làm Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Xuân Phúc vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1982, là Ủy viên T.Ư Đảng các khóa X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị các khoá XI, XII, XIII. Ông tham gia T.Ư lần đầu năm 52 tuổi, tham gia Bộ Chính trị lần đầu năm 57 tuổi. Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng là đại biểu Quốc hội các khóa XI, XIII, XIV, XV.

Từ 2001 đến 2006, ông Nguyễn Xuân Phúc là Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Từ khi tham gia T.Ư Đảng năm 2006, ông Nguyễn Xuân Phúc giữ các cương vị: Phó tổng Thanh tra Chính phủ; Phó chủ nhiệm, rồi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó thủ tướng Chính phủ (từ 2011).

Vào tháng 4.2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016, kế nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tới tháng 7.2016, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Ngay sau Đại hội XIII, ngày 5.4.2021, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ và bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026, trở thành thủ tướng đầu tiên được bầu làm chủ tịch nước kể từ năm 1945.

Tới tháng 7.2021, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Chủ tịch nước, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.