(Ảnh: MMO Culture)
Như Thanh Niên Game đã đưa tin, nhà phát hành The9 đã chiến thắng đối thủ Tencent khi giành được hợp đồng phát hành độc quyền game Đột Kích 2 tại Trung Quốc với hãng phát triển Smilegate (Hàn Quốc). Thương vụ này có một con số kỷ lục là 500 triệu USD (hơn 11.000 tỷ đồng), trong đó The9 sẽ trả trước 50 triệu USD, phần còn lại sẽ trả dần theo các mốc phát triển và vận hành game.
Đột Kích 2 (CrossFire 2) hiện vẫn đang được Smilegate phát triển (bắt đầu từ năm 2013). Đồ họa game sẽ sử dụng Unreal Engine 3 của hãng Epic Games.
“Kèo” Đột Kích 2 đã gây sự chú ý của ngành game phương Tây, khi Tencent vẫn còn vận hành máy chủ Bắc Mỹ cho game Đột Kích, với một số lượng người chơi nhất định. Dĩ nhiên, với thị hiếu game thủ phương Tây, Đột Kích chỉ là một game MMOFPS hết sức bình thường, nếu không nói là lạc hậu và xấu xí với cơ chế đồ họa lỗi thời.
Điều đó đã làm họ hết sức ngạc nhiên, một “con game” như vậy mà phần tiếp theo có giá ngang ngửa với chi phí phát triển và vận hành game Destiny của Activision trong… 10 năm (theo kế hoạch)?
Thật ra điều này có thể hiểu được khi nhìn lại thành quả của Đột Kích 1. Vận hành tại nhiều nước, nhưng thị trường chính của game này vẫn là Trung Quốc, nơi Đột Kích vẫn đang sánh ngang tầm với Liên Minh Huyền Thoại. Doanh thu hãng Tencent thu được từ Đột Kích lến đến con số đáng mơ ước là 1 tỷ USD, mỗi năm, “đều như vắt chanh”.
Vì vậy, The9 mạnh tay bỏ ra 500 triệu USD mua phần 2 cũng không có gì gọi là quá đáng.
Các game thủ phương Tây không thể "nuốt trôi" nền đồ họa già cỗi của Đột Kích (Ảnh: VentureBeat)
Điều khác biệt giữa game thủ Trung Quốc và game thủ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, nằm ở cách họ đầu tư vào chiếc PC chơi game của mình. Trong khi các game thủ Mỹ, như các bạn cũng đã biết, rất chăm chút các cỗ máy chơi game của mình, từ PC cấu hình cao cho đến console mới nhất. Ngược lại, game thủ Trung Quốc, dù chi đến 22 tỷ USD cho game (ước tính năm 2015) nhưng họ lại chẳng mấy… đoái hoài đến chiếc PC đã già cỗi của mình.
Nói tóm lại, thị hiếu game thủ Trung Quốc là “tôi muốn một game có thể chạy trên bất kỳ PC nào, chả cần cấu hình mạnh làm gì”. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến thành công cho World of Warcraft, một game online đã hơn 10 năm tuổi, tại đây.
Những game thủ phương Tây, vốn đã quen thuộc với game FPS tân tiến hơn như CSGO hay Destiny, rõ rành là không thể chia sẻ thị hiếu này của game thủ Trung Quốc.
Bình luận (0)