Ông Võ Văn Ninh (Việt kiều Mỹ) nói: "Má vợ tui muốn hồi hương về quê sinh sống. Thế nhưng, bà lại không đủ điều kiện có 2 người bà con trong nước bảo lãnh nên không làm thủ tục được. Nếu chỉ cần 2 người trong nước bảo lãnh mà không bắt buộc là người thân thì sẽ dễ dàng hơn". Cũng bức xúc về vấn đề này, ông Nguyễn Đinh Nhã (Việt kiều Canada) đề nghị, nếu sau khi Ủy ban về người VN ở nước ngoài đã xem xét người xin hồi hương có nguồn gốc VN nhưng nếu không có bà con thân thuộc bảo lãnh thì nên xem xét về điều kiện tài chính. Bên cạnh đó, việc xin nhập quốc tịch cũng còn nhiều vướng mắc bởi Luật Quốc tịch VN được thực hiện theo nguyên tắc 1 quốc tịch. Ngoài ra, theo quy định hiện hành, Việt kiều chỉ được hưởng thừa kế bằng giá trị tài sản. Do đó, nhà cửa, đất đai được cha mẹ để lại thì phải bán đi và lấy tiền. Nhưng cũng rất khó khăn để chuyển số tiền đó ra nước ngoài...
Nhà cửa, đất đai luôn là vấn đề bức xúc của Việt kiều vì nó liên quan đến chuyện an cư, lạc nghiệp khi họ trở về quê hương làm ăn, sinh sống. Theo ông Nguyễn Đinh Nhã, Việt kiều được thuê đất Nhà nước 50 năm nhưng lại không được cho thế chấp. Trong khi đó, một số đối tượng khác thuê đất 20 năm thì lại được phép thế chấp với ngân hàng...
Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - cũng đồng tình với ý kiến người bảo lãnh cho Việt kiều hồi hương không nhất thiết phải là người thân. Nhưng theo bà, quốc tịch là một vấn đề khá phức tạp vì: "Nếu một Việt kiều trẻ 25 tuổi đang ở California (Mỹ), sau khi có quốc tịch VN thì có chịu về VN thực hiện nghĩa vụ quân sự hay không?". Ông Nguyễn Ngọc Trân - Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - cũng cho biết: "Chuyện chỉ chấp nhận 1 quốc tịch, tôi cũng đã nói sao phải lạnh lùng như vậy nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Vấn đề nhà ở cho kiều bào hiện nay đã khá thông thoáng nhưng khi thực hiện còn khó khăn. Chúng ta sẽ tập trung làm rõ những khó khăn đó trong thời gian tới". Về chuyện thừa kế của Việt kiều, ông Nguyễn Ngọc Trân nêu quan điểm hiện nay, bối cảnh đã đổi khác nên không thể đem những quy định trong Bộ luật Dân sự của bối cảnh cũ để diễn giải áp dụng. Đơn giản hơn, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng (Việt kiều Bỉ) đề nghị: "Làm sao chúng ta chỉ có một luật duy nhất. Luật này nói rõ từ nay về sau không có sự phân biệt đối với người Việt trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài. Khi đó, nhiều chuyện phiền phức, những khó khăn hiện nay sẽ được giải quyết nhanh chóng".
Tối 21/1, Ủy ban về người VN ở nước ngoài TP.HCM cũng đã tổ chức buổi họp mặt kiều bào về quê đón Tết Bính Tuất 2006 với sự tham dự của khoảng 700 kiều bào. Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được nhấn mạnh: "Tạo mọi điều kiện để bà con về nước sinh sống, tham gia xây dựng đất nước không phải là một sự ban ơn mà là một nghĩa vụ, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước". Nhân dịp này, UBND TP.HCM cũng trao tặng bằng khen cho 1 tập thể và 12 cá nhân kiều bào đã có những đóng góp tích cực và thiết thực cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Mai Phương
Bình luận (0)