Hợp nhất hai bộ TN-MT và NN-PTNT 'sẽ thành một mô hình phát triển, mô hình đáng tự hào'

Đình Huy
Đình Huy
21/12/2024 13:41 GMT+7

Sáng 21.12, tại Hà Nội, Bộ TN-MT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT có cơ hội rất lớn

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, hội nghị diễn ra vào thời điểm có tính lịch sử bởi ngành TN-MT sắp chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới. Ông biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thiện, đóng góp, sửa đổi các luật và ban hành các văn bản dưới luật gồm luật Địa chất khoáng sản, luật Đất đai, luật Tài nguyên nước.

Hợp nhất hai bộ TN-MT và NN-PTNT 'sẽ thành một mô hình phát triển, mô hình đáng tự hào'- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị

ẢNH: Đ.T

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đánh giá, ở thời kỳ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thì Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT có cơ hội rất lớn. Hai bộ có mối quan hệ gắn bó như môi và răng, nếu tài nguyên là tâm hồn thì nông nghiệp là thể xác. Đặc biệt, nếu bộ này làm tốt thì bộ kia sẽ hưởng lợi và ngược lại. Từ góc độ này có thể thấy hai bộ hợp nhất "sẽ thành một mô hình phát triển, mô hình đáng tự hào".

Sau khi hai bộ hợp nhất, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, phải thay đổi và giải quyết được bài toán kinh tế, xã hội và môi trường hài hòa, làm sao để môi trường là nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Theo Phó thủ tướng, chúng ta phải đặt môi trường vào vị trí trung tâm để phát triển, là triết lý của ngành, đưa ra các nguyên tắc nguyên lý và có cái nhìn sâu hơn. Môi trường quyết định đến sự tồn vong và phát triển, do đó, chúng ta phải thay đổi về nhận thức và luật pháp trong cách quản lý, cần đẩy mạnh về kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.

"Tôi đề nghị ngành TN-MT cần tập trung đầu tư tư duy, tổ chức lại mô hình quản lý bởi dường như càng xuống cấp xã chúng ta càng ít quan tâm, đầu tư nên cần phải thay đổi lại... Bộ máy, trang thiết bị cần phải hiện đại để làm sao mỗi người ngành TN-MT có thể làm việc bằng hai, bằng mười, điều này rất quan trọng trong công tác phát triển bền vững", ông Hà nói.

Bộ máy sau khi sắp xếp phải tinh, gọn, mạnh

Hợp nhất hai bộ TN-MT và NN-PTNT 'sẽ thành một mô hình phát triển, mô hình đáng tự hào'- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy

ẢNH: Đ.T

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, còn những mặt tồn tại, hạn chế, như: một số thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; chất lượng triển khai chính sách, pháp luật không đồng đều giữa các địa phương.

Nguồn lực tài nguyên ở nhiều nơi chưa được sử dụng hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, gây nên tình trạng lãng phí; việc vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản còn xảy ra ở nhiều nơi. Tình trạng ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, cụm công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm không khí tại các đô thị chưa được quan tâm khắc phục.

Vì vậy, ông cho rằng, trong thời gian tới cần hoàn thành việc sắp xếp bộ máy, đi đôi với kiện toàn, nâng cao chất lượng cán bộ, bảo đảm bộ máy sau khi sắp xếp phải tinh, gọn, mạnh. Cạnh đó, hoàn thiện xây dựng chính sách, thể chế pháp luật về môi trường trọng tâm là ban hành các văn bản hướng dẫn các luật Địa chất khoáng sản, luật Đất đai, luật Tài nguyên nước.

Nghiên cứu đề xuất, bổ sung các thể chế chính sách để kiến tạo phát triển theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, carbon thấp hướng đến mục tiêu Netzero.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.