Theo Chiến lược Quốc gia Phát triển ngành Dược Việt Nam đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường. Để trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực, Việt Nam cần đẩy mạnh sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc mới.
Hướng đến hiện thực hóa mục tiêu sản xuất thuốc đặc trị chất lượng cao, chi phí hợp lý, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP) hợp tác chiến lược với Genuone Sciences - một trong những công ty dược phẩm lớn của Hàn Quốc.
Không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo Báo cáo nghiên cứu ngành Dược Việt Nam, hiện hơn 200 doanh nghiệp dược Việt chủ yếu sản xuất thuốc generic (thuốc thế hệ thứ hai), đầu tư các dạng bào chế đơn giản. Trong khi đó, tỷ lệ thuốc được đánh giá tương đương sinh học thấp, chỉ khoảng 10%. Thuốc biệt dược gốc là một trong hai loại thuốc trên thị trường, được phép sản xuất độc quyền trong khoảng 20 năm nên giá thành đắt.
Báo cáo của FPT Research ghi nhận thuốc ngoại thống lĩnh thị trường dược phân khúc cao, chiếm khoảng 50% về trị giá và 25% về số lượng. Ước tính tỷ lệ thuốc nhập khẩu trong giá trị trúng thầu thuốc kênh bệnh viện năm 2022 lên tới 77%, tỷ lệ này ở gói thầu biệt dược gốc và gói thầu generic nhóm 1 thậm chí lên tới gần 100%.
Theo giới phân tích, thị trường dược Việt Nam lâu nay vốn được xem là "mảnh đất màu mỡ" của các doanh nghiệp nước ngoài, giá thành thuốc nhập cao gây lãng phí nguồn lực quỹ bảo hiểm y tế. Vì vậy, việc hợp tác chiến lược cùng Genuone Sciences cho thấy nỗ lực của Imexpharm trong việc cạnh tranh thị phần với dược phẩm nhập khẩu, góp phần giảm gánh nặng chi phí y tế cho người bệnh với sản phẩm chất lượng có chi phí hợp lý.
Đại diện Imexpharm cho biết thêm, hợp tác chiến lược này không chỉ có ý nghĩa trong việc đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu nâng cao chất lượng thuốc điều trị bệnh cho cộng đồng mà còn là bước tiến quan trọng giúp Imexpharm mở rộng và đa dạng danh mục sản phẩm, bao gồm thuốc biệt dược điều trị phù hợp nhằm giải quyết các tình trạng bệnh lý như tim mạch, tiểu đường và các vấn đề sức khỏe phổ biến khác.
Imexpharm sẽ đưa ra các giải pháp điều trị mới với chi phí hợp lý nhằm đảm bảo người mắc các bệnh lý mạn tính hoặc nghiêm trọng có thể tiếp cận các loại thuốc điều trị hiệu quả và giảm gánh nặng tài chính.
Đặt mục tiêu nội địa hóa thuốc biệt dược
Là một trong những công ty dược hàng đầu Việt Nam, sau hơn 46 năm phát triển, Imexpharm phát huy "lợi thế vàng" hướng đến chia lại miếng bánh thị phần ngành dược trong nước.
Tính đến thời điểm hiện tại, Imexpharm là doanh nghiệp hàng đầu về kháng sinh tại thị trường Việt Nam. Cuối năm 2022, Imexpharm có 326 sản phẩm có số đăng ký lưu hành trên thị trường, chia thành 8 nhóm sản phẩm. Trong đó, 4 nhóm chủ lực, đóng góp tỉ trọng lớn nhất trong doanh thu là kháng sinh, chiếm tỷ lệ 67% doanh thu. Theo Imexpharm, các nhóm thuốc kháng sinh phổ biến như Cephalosporin, Penicillin chiếm hơn 70% giá trị tại thị trường Việt Nam cũng là sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp.
Imexpharm hiện là doanh nghiệp dược sở hữu cụm nhà máy thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn châu Âu lớn và có số lượng dây chuyền EU-GMP nhiều tại Việt Nam. Đơn vị hiện sở hữu ba nhà máy hiện đại, với 11 dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP giúp Imexpharm tăng khả năng cạnh tranh thuốc đáp ứng tiêu chuẩn cao. Đây là thế mạnh của Imexpharm khi cả nước hiện chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp dược đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương như Japan GMP. Song song đó, Imexpharm còn là công ty của Việt Nam đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc GMP-ASEAN.
Hiện Imexpharm nằm trong top 8% các nhà sản xuất thuốc nội địa đáp ứng được tiêu chuẩn đấu thầu vào nhóm 1 & 2 ở kênh ETC tại Việt Nam. Đến nay, Imexpharm đã có 12 số đăng ký cho 7 sản phẩm tại châu Âu nhờ định hướng "chất lượng hàng đầu - tiêu chuẩn châu Âu". Ngoài Genuone, Imexpharm đã trở thành đối tác sản xuất nhượng quyền của hàng loạt tập đoàn dược đa quốc gia hàng đầu thế giới như Sandoz, Robinson Pharma, DP Pharma, Galien, Pharma Science Canada, Sanofi - Aventis…
Bình luận (0)