|
Là liên danh giữa PTSC (một đơn vị thành viên thuộc loại chủ lực của PVN) với PM (Tập đoàn năng lượng hàng đầu của LB Nga - Power Machines) và BTG (Tập đoàn thiết bị của CH Slovakia) để xây dựng nhà máy nói trên tại tỉnh Sóc Trăng.
Vậy là từ vị trí đầu tư đứng thứ 19 trong số 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, chắc chắn rằng sau sự kiện này, với tỷ trọng đầu tư đang ở mức 2 tỉ USD (không tính 1,5 tỉ USD của Liên doanh Dầu khí Việt - Xô vì nó ra đời từ năm 1981), sẽ nâng lên cả thảy là 4,7 tỉ USD. Đương nhiên trên bảng xếp hạng này, Nga sẽ có một vị trí rất khác. Và như vậy, thậm chí phải nhiều hơn thế, Nga mới xứng tầm là một đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, mà lâu nay CHLB Nga luôn đứng ở một vị trí quá khiêm tốn.
Nhân sự kiện Nga đứng ra tìm giải pháp ngăn cản cuộc chiến tranh ở Syrie vừa rồi, cả thế giới đã phải nhìn nhận lại vai trò siêu cường của nước Nga dưới thời Putin đã khác trước nhiều.
Việc PVN quyết định hợp tác với Nga trong dự án Nhiệt điện Long Phú 1 là một quyết định sáng suốt không đơn thuần nhìn từ góc độ kinh tế thuần túy nếu chúng ta liên hệ thêm từ lĩnh vực dầu khí trên biển Đông mà Việt Nam đã bắt tay có hiệu quả với bạn Nga hơn ba chục năm qua.
Với công nghệ Nga và nguồn vốn tín dụng được các đối tác tin cậy của Nga đứng phía sau, chắc chắn dự án Long Phú 1 sẽ mang lại hiệu quả cao về lợi ích kinh tế cho nước ta và với PVN. Sự lựa chọn này cũng sẽ tiếp tục đảm bảo cho PVN luôn là đầu tàu của nền kinh tế nước nhà. Một sự lựa chọn tưởng chừng đơn giản và hiển nhiên ấy, thực tế lại không hề đơn giản chút nào, cho dù rất nhiều người cũng biết rõ rằng về lĩnh vực nhiệt điện, các nước có công nghệ hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật cũng có một số khoảng trống cần tham khảo công nghệ Nga.
Chính vì vậy, sau 3 năm PM theo đuổi dự án Long Phú 1 với bao chật vật bởi những lực cản vô hình, PVN đã bảo vệ được lựa chọn đúng đắn của mình là để tập đoàn Nga PM tham gia là nhà thầu cung cấp thiết bị đồng thời với việc thu xếp vốn cho dự án.
Một điều hết sức quan trọng theo thỏa thuận, Tập đoàn PM cam kết sẽ chịu trách nhiệm thu xếp tối thiểu 80% vốn cần thiết, lãi suất cạnh tranh, phù hợp với yêu cầu tối đa hóa nguồn vốn của Chính phủ và chủ trương của PVN về đầu tư phát triển cũng như tính chất của các dự án hạ tầng. Đồng thời, nguồn vốn do nhà thầu PM cam kết nêu trên cũng đã được các cơ quan cấp bảo hiểm tín dụng EXIAR, EGAP, EXIMBANKA cam kết hỗ trợ bảo hiểm vốn vay cho chủ đầu tư. Đây là điều kiện then chốt để đảm bảo việc thu xếp vốn giúp dự án thành công.
Với những lý do quan trọng nêu trên, PVN đã điều chỉnh tổng thầu PTSC thành liên danh nhà thầu, trong đó PTSC vẫn là thành viên, trong khi nhà thầu cung cấp thiết bị PM và BTG làm thành viên đứng đầu liên danh là việc làm cần thiết để đảm bảo việc triển khai dự án thành công, đúng yêu cầu của Chính phủ cũng như nhằm tránh những bất cập khi nhà máy đi vào chạy thử. Chính vì thế, PVN đã đồng ý thành lập liên danh tổng thầu giữa nhà thầu nước ngoài và PTSC để thực hiện hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) cho nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, trong đó, PM và BTG là nhà thầu đứng đầu liên danh.
PVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh chủ thể trong hợp đồng EPC của dự án Long Phú 1 từ PTSC là Tổng thầu thành liên danh tổng thầu PM - BTG - PTSC, trong đó PM và BTG là thành viên đứng đầu liên danh.
Trước những đề xuất hợp lý mà PVN kiến nghị, ngày 07.8.2013, Bộ Công thương đã có công văn số 801/TCNL-NĐ&ĐHN chỉ đạo PVN sớm xem xét triển khai các thủ tục chỉ định tổ hợp nhà thầu gồm PM - BTG - PTSC làm Liên danh tổng thầu EPC cho dự án.
Từ kiến nghị cụ thể của PVN, Bộ Công thương đã tiến hành thẩm định và báo cáo Chính phủ về phương án điều chỉnh. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2013, đa số các ngành đã đồng thuận phương án điều chỉnh tổng thầu dự án Nhiệt điện Long Phú 1 như kiến nghị của Bộ Công thương và PVN. Theo đó, Chính phủ cũng đã thống nhất thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù theo đề nghị của Bộ Công thương. Điều này đã xóa đi sự nghi ngại bấy lâu mà dư luận đặt dấu hỏi. Nếu không có cơ chế đặc thù này sẽ rất khó cho quá trình triển khai dự án khi mà bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều thách thức.
Từ những dẫn chứng trên, có thể thấy việc triển khai dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 là một chủ trương lớn của Chính phủ, trong đó PVN là đơn vị được giao làm chủ đầu tư. Trong quá trình triển khai dự án, PVN đã thực hiện đúng các quy định, đúng pháp luật, từ công việc chọn nhà thầu, tự tháo gỡ dần những khó khăn, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ để triển khai.
Việc lựa chọn nhà thầu Nga đã và sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam bởi quan hệ chiến lược và hợp tác toàn diện với người bạn Nga thủy chung trong suốt nhiều thập niên trước đây, chúng ta đã hiểu rất rõ tình nghĩa anh em giữa hai nước thật khó có thể so sánh và đã thấm thía một điều sâu sắc rằng: Cần tìm bạn để hợp tác!
* OJSC Power Machines (PM) được thành lập từ năm 1857 với cái tên Leningradsky, sản xuất tới 95% tất cả các sản phẩm cho nhiệt điện, thủy điện và điện hạt nhân tại LB Nga. Tập đoàn PM có tới 58 nghìn chuyên gia, kỹ sư và công nhân lành nghề. Đây cũng chính là tập đoàn tham gia một phần thiết kế và thi công công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình năm xưa ở nước ta, một công trình hợp tác tầm cỡ thế kỷ với biết bao ý nghĩa sâu sắc, dạt dào tình hữu nghị Việt - Xô. * PTSC là đơn vị chủ lực hàng đầu của PVN trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao cho ngành công nghiệp dầu khí ở trong và ngoài nước. PTSC hiện có khoảng 9 nghìn cán bộ, chuyên viên có chuyên môn. Tổng tài sản PTSC năm 2012 là trên 21.000 tỉ đồng và doanh thu năm 2012 là 25.522 tỉ đồng. |
Nguyễn Quốc Bảo
(Nguồn từ www.pvn.vn)
Bình luận (0)