Hợp tác nghiên cứu Pháp - Việt giúp Việt Nam tiệm cận với nền khoa học tiên tiến

Quý Hiên
Quý Hiên
28/11/2023 19:28 GMT+7

Theo Chủ tịch Trung tâm CNRS của Pháp, đơn vị này tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo các thế hệ nhà khoa học tương lai, cùng phát triển hợp tác nghiên cứu các lĩnh vực theo hình mẫu mà hợp tác về toán đã đạt được.

Hôm nay 28.11, tại Hà Nội, Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam (VAST) đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm hợp tác nghiên cứu với Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS).

Góp phần giúp Việt Nam tiệm cận với nền khoa học tiên tiến

Theo GS Lê Trường Giang, Phó chủ tịch VAST, sự kiện Viện Khoa học Việt Nam (tên gọi trước đây của VAST) và CNRS ký định ước hợp tác vào năm 1983 tại Paris đã mở ra cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận thêm với nền khoa học tiên tiến, môi trường học thuật hàn lâm, tiền đề cho những phát triển sau này.

Hợp tác nghiên cứu Pháp - Việt về toán là hình mẫu cho các lĩnh vực khác - Ảnh 1.

Các đại biểu Việt Nam và Pháp trong lễ kỷ niệm 40 năm hợp tác nghiên cứu giữa VAST và CNRS

THANH NGỌC

Các hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa VAST và CNRS đã tạo điều kiện để trao đổi các nhà khoa học sang thực hiện các nghiên cứu chung, tổ chức các hội thảo và tăng cường các thiết bị nghiên cứu, cũng như hình thành và kết nối các nhóm nghiên cứu liên ngành, gia tăng sự phát triển từ nghiên cứu cơ bản tới ứng dụng, hướng tới hình thành những sản phẩm chất lượng cao, làm động lực cho đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ giữa CNRS và VAST.

Một trong những thành tựu nổi bật trong mối quan hệ hợp tác giữa hai bên là chuỗi lớp học chuyên đề, được tổ chức thường niên từ năm 1997. Từ các lớp học này, hơn một nghìn lượt cán bộ nghiên cứu của Việt Nam được cử sang CNRS để trao đổi khoa học, thực tập, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Trong số đó, hơn 100 cán bộ đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ và tiến sĩ, trở thành những cán bộ khoa học chủ chốt của VAST.

Hợp tác nghiên cứu Pháp - Việt về toán là hình mẫu cho các lĩnh vực khác - Ảnh 2.

Trao đổi giữa các nhà khoa học Việt Nam và Pháp bên lề lễ kỷ niệm

THANH NGỌC

Trên nền tảng quan hệ hợp tác chặt chẽ trong đào tạo và nghiên cứu giữa VAST và CNRS, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã được thành lập năm 2009. Hợp tác giữa VAST và CNRS giai đoạn này đã tạo cơ hội cho nhiều nhà khoa học trẻ của VAST học tập và nghiên cứu trong môi trường quốc tế, đồng thời góp phần đưa USTH hướng tới mục tiêu đạt trình độ quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Sẽ cùng nhau chuẩn bị cho tương lai

Tại buổi lễ, GS Antoine Petit, Chủ tịch CNRS, nhận định 40 năm là một thời gian đáng kể, hai bên đã thành công trong việc hợp tác nghiên cứu và đào tạo đầy hiệu quả, đầy chất lượng. Lĩnh vực hợp tác là đa dạng. 

"Có thể chủ quan (GS Petit xuất thân từ ngành toán - PV), nhưng tôi có thể khẳng định là hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực toán học là rất mẫu mực. Chúng ta nên, hoặc có thể phát triển hợp tác các lĩnh vực khác theo hình mẫu của hợp tác trong lĩnh vực toán học", GS Petit nói.

Hợp tác nghiên cứu Pháp - Việt về toán là hình mẫu cho các lĩnh vực khác - Ảnh 3.

Theo GS Antoine Petit, hợp tác nghiên cứu về toán là hình mẫu cho các lĩnh vực khác trong mối quan hệ hợp tác Việt - Pháp

THANH NGỌC

Cũng theo GS Petit, sắp tới hai cơ quan cần khôi phục lại các lớp học chuyên đề."Các lớp chuyên đề sẽ giúp chúng ta đào tạo được các thế hệ nhà khoa học tương lai và thiết lập được mối quan hệ hợp tác giữa các nhà nghiên cứu trẻ của hai bên để tiếp nối những gì đã có. Việt Nam hãy tin tưởng vào sự đồng hành của CNRS và không chỉ CNRS, cộng đồng khoa học nước Pháp sẽ phối hợp và đồng hành cùng các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu khoa học trong nhiều lĩnh vực nhất có thể", GS Petit chia sẻ.

Ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, cũng bày tỏ niềm tự hào vì nước Pháp, mà đặc biệt là CNRS, một trong những cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu thế giới, một trong những đơn vị thực hiện nhiều công trình nghiên cứu đỉnh cao của Pháp, đã đồng hành cùng Việt Nam trên con đường thúc đẩy nền khoa học phát triển.

Năm 2024, Pháp sẽ có triển khai một số hoạt động để cụ thể hóa cho quyết tâm này. Năm tới, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ của Pháp sẽ thăm và làm việc tại Việt Nam, để tiếp tục thỏa thuận hợp tác liên chính phủ về phát triển khoa học công nghệ.

Đặc biệt, năm 2024 sẽ có một chuyến tàu của đội nghiên cứu về hải dương và môi trường thủy hải sản của Pháp sẽ đến làm việc tại Việt Nam, sẽ thực hiện một đề tài nghiên cứu chung với các nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.