Vừa qua, tại Hội thảo “Bảo tồn và phát triển ngành công nghiệp văn hóa, nghệ thuật” diễn ra ở Trung tâm Hội nghị và Triển lãm, Bình Dương. Hội thảo được tổ chức theo chỉ đạo trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest 2022 để bàn về tầm quan trọng và chiến lược của quá trình chuyển đổi số ngành văn hóa nghệ thuật.
Trong khuôn khổ của hội thảo diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Làng Công nghệ Nghệ thuật sáng tạo (Techart), Công ty cổ phần STI, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC), Sở Khoa học và Công nghệ - tỉnh Quảng Nam, Sở Khoa học và Công nghệ - tỉnh Thừa Thiên-Huế để mở rộng việc ứng dụng blockchain vào công cuộc chuyển đổi số ngành văn hóa nghệ thuật ở những tỉnh thành, vùng miền.
Đại diện các bên ký kết hợp tác chiến lược thúc đẩy công nghệ Blockchain |
Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhận định: “Tổng quan thị trường NFT thế giới kỳ vọng vào quãng thời gian từ năm 2021-26 sẽ đạt tới 147 tỉ USD, 43% sự tăng trưởng sẽ diễn ra ở khối châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Một trong những thị trường chịu ảnh hưởng chịu ảnh hưởng mạnh nhất sẽ là nghệ thuật. Trong thời gian sắp tới, VBA cam kết hỗ trợ từng bước giúp ứng dụng blockchain vào việc bảo tồn di tích văn hóa, nghệ thuật tại các địa phương, tỉnh thành Việt Nam”.
Với nhu cầu phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa địa phương, Trung tâm Văn hóa thể thao và truyền thanh truyền hình TP. Hội An (Quảng Nam) đã hợp tác với Bizverse để quảng bá du lịch trên nền tảng metaverse (đa vũ trụ ảo), bao gồm việc số hóa các di tích, làng nghề ở Hội An dưới dạng hình ảnh 3D, lập bản đồ Hội An kèm theo giọng thuyết minh của hướng dẫn viên tại các điểm tham quan.
Theo đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam, blockchain có thể giúp bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa theo nhiều cách, cụ thể: 1/ quản lý hệ thống tài nguyên số quốc gia bằng cách ứng dụng NFT, 2/ xây dựng các không gian metaverse (vũ trụ ảo) nhằm tăng khả năng tiếp cận, quảng bá tinh hoa văn hóa thông qua phương tiện số.
Ông Phan Đức Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ về tiềm năng sử dụng blockchain để bảo tồn di tích văn hóa, nghệ thuật |
Các không gian metaverse (vũ trụ ảo) góp phần tăng cường trải nghiệm cho người tham quan thông qua hệ thống vé, cơ chế thành viên bằng công nghệ NFT, tận dụng các nền tảng du lịch VR trực tuyến để thu hút khách nước ngoài, như dự án metaverse Phố cổ Hội An. Bên cạnh đó, ứng dụng NFT sẽ giúp ích đối với công tác lưu trữ, quản lý, các thông tin về di tích sẽ đảm bảo được tính minh bạch, bất biến và phân quyền cụ thể, ví dụ trong quá trình trùng tu, bảo dưỡng di tích, bàn giao cổ vật… của từng đơn vị, từng thời kỳ sẽ được ghi nhận cụ thể, không thể chỉnh sửa, có phân quyền bảo mật. NFT cũng hỗ trợ việc khai thác thương mại từ các bản quyền mở, bản quyền thương mại của các di tích, các cổ vật thông qua công nghệ NFT để quyên góp, gây quỹ bảo tồn và phát triển di tích.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục Trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ cho biết: “Với sự phát triển của công nghệ thì văn hóa nghệ thuật ngày nay không chỉ là di sản mà còn là tài sản hết sức quan trọng... Văn hóa nghệ thuật không chỉ là ngành để duy trì về mặt đời sống, mà còn là một ngành kinh tế có thể phát triển bền vững. Nhiệm vụ của chúng ta và thế hệ trẻ là chuyển đổi các di sản thành tài sản có giá trị trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, sao cho không chỉ bảo tồn mà phải khai thác và phát triển các giá trị này một cách hiệu quả nhất”.
Bình luận (0)