* Cho em hỏi học ngành tâm lý học cần những tố chất gì, và cơ hội việc làm của ngành này ra sao? Nguyễn Thu Thủy, Trường THPT Đức Trọng, Lâm Đồng.
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An đang dẫn chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tại Lâm Đồng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
- Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: Nếu em muốn học ngành tâm lý, em phải là người nhạy cảm, tinh tế, nhẹ nhàng vì đây là nghề chăm sóc, hỗ trợ tinh thần cho người khác. Ngoài ra, em phải có tâm hồn phóng khoáng, tấm lòng vị tha độ lượng, không toan tính. Trong quá trình làm việc, sử dụng trí tuệ cảm xúc nhiều hơn trí tuệ logic. Khả năng giao tiếp, ngôn ngữ hoạt bát cũng là điều cần thiết để làm việc thành công.
Ngày nay, con người phải làm việc trong môi trường cạnh tranh, khá căng thẳng và áp lực nên dễ bị trầm cảm, các bệnh về rối loạn tâm lý tăng cao. Do đó, học ngành tâm lý học ra, cơ hội việc làm rất lớn. Các em có thể làm việc tại các bệnh viện, thăm khám điều trị tâm lý cho bệnh nhân. Hoặc làm việc tại các trường học ở mảng tâm lý học đường. Ngoài ra, các tổ chức nhân sự ở doanh nghiệp cũng cần tuyển dụng người tốt nghiệp ngành này.
* Em muốn hỏi ngành công tác xã hội xét tuyển tổ hợp môn nào? Học bao nhiêu năm? Nhu cầu việc làm có cao hay không? Lê Anh Quang, Trường THPT Di Linh, Lâm Đồng.
- Thạc sĩ Lê Thị Vũ Anh, Phó phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Mở TP.HCM: Ngành công tác xã hội xét tuyển những tổ hợp môn sau: Toán, lý, tiếng Anh; văn, sử, địa; văn, toán, ngoại ngữ; văn, sử, ngoại ngữ. Chương trình học kéo dài 4 năm. Tốt nghiệp ngành học, các em có thể xin việc tại các cơ sở xã hội, bệnh viện, trường học, cơ quan đoàn thể, hội phụ nữ hoặc các quỹ từ thiện… Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ họ cũng cần tuyển dụng người tốt nghiệp ngành này để làm các dự án liên quan đến từ thiện, xã hội.
* Em rất thích các ngành học kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc công trình. Tuy nhiên, em đang băn khoăn giữa 2 ngành kiến trúc công trình và thiết kế nội thất. Vì em là nữ, liệu học kiến trúc công trình có phù hợp hay không và có cơ hội việc làm cao hay không? (Dương Thúy Hà, Trường THPT Đức Trọng, Lâm Đồng)
- Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM: Tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, tỷ lệ nữ học các ngành kiến trúc công trình và thiết kế nội thất lên tới 40%. Do đó, em hoàn toàn có thể yên tâm nếu muốn đăng ký học một trong 2 ngành trên. 2 ngành này xét tuyển môn toán, văn lấy kết quả từ kỳ thi THPT quốc gia và điểm năng khiếu do trường tổ chức thi.
Nếu như ngành kiến trúc công trình, sinh viên sẽ được học cách thiết kế các công trình nhà ở, chung cư, cao ốc... ở phần “vỏ” bên ngoài, thì sinh viên ngành thiết kế nội thất sẽ được học kiến thức để sắp xếp đồ đạc bên trong ngôi nhà, công trình đó. Cả hai ngành đều cần khả năng sáng tạo, mà nữ có rất nhiều thế mạnh. Tuy nhiên, về cơ hội việc làm, thì ngành thiết kế nội thất vẫn “hot” hơn, xin việc dễ hơn.
Mở hộp thư Tư vấn 24/7
Từ ngày 1.3, Báo Thanh Niên sẽ mở Hộp thư tư vấn 24/7 để giải đáp mọi thắc mắc của thí sinh xung quanh kỳ thi THPT quốc gia 2016 và những vấn đề liên quan đến việc chọn ngành nghề. Những thắc mắc của bạn đọc sẽ được chuyển đến đại diện Bộ GD-ĐT, chuyên gia tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, TC, chuyên gia tâm lý và hướng nghiệp để có câu trả lời chính xác, hợp lý.
Mọi giải đáp sẽ đăng liên tục trên website của Báo Thanh Niên tại địa chỉ: www.thanhnien.vn trên mục Hộp thư tư vấn 24/7. Chúng tôi sẽ tập hợp những câu hỏi nhiều học sinh quan tâm thành một chuỗi vấn đề, đăng trên báo in Thanh Niên các số ra ngày thứ ba, năm, bảy. Bạn đọc có thể gửi thắc mắc qua thư điện tử tại địa chỉ tuvanmuathi@thanhnien.com.vn, qua bưu điện tại địa chỉ của Báo Thanh Niên 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM.
|
Bình luận (0)