Hợp thức hóa giao dịch “chui”

04/06/2011 00:11 GMT+7

Bất chấp các quy định mới như cùng mua và bán chứng khoán (CK) trong một phiên, được giao dịch ký quỹ, sau 1 - 2 phiên tăng điểm thị trường vẫn quay đầu đi xuống.

 

NĐT sẽ được mua bán CK cùng phiên và giao dịch ký quỹ từ ngày 1.8  - Ảnh: D.Đ.M

 Mua bán cùng phiên chưa linh hoạt

Trên thực tế, việc mua bán CK cùng phiên đã được nhiều nhà đầu tư (NĐT) thực hiện khi họ sử dụng 2 tài khoản khác nhau (một tài khoản ủy quyền sử dụng). Khi đó, họ có thể vừa đặt lệnh mua và lệnh bán cùng lúc để đón đầu và thực hiện nhanh chóng cơ hội “lướt sóng” trong phiên. Vì vậy, Thông tư 74 của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch chứng khoán ban hành ngày 1.6.2011 (có hiệu lực từ 1.8.2011) thực chất là "hợp thức hóa" các giao dịch này.

Theo ông Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCKNN, việc cho phép mua bán CK trong một ngày, tức là NĐT được mua bán cùng một loại CK, nhưng trên nguyên tắc bán số CK trên tài khoản hiện có của mình chứ không phải số CK vừa mua được trong ngày giao dịch. Đồng thời, NĐT không được rao lệnh mua - bán cùng lúc và chỉ được thực hiện lệnh mua (hoặc bán) khi lệnh bán (hoặc mua) trước đã hoàn tất. NĐT không được phép đồng thời đặt lệnh mua và bán cùng một loại CK trong từng lần khớp lệnh trên cùng một tài khoản hoặc trên các tài khoản khác nhau do NĐT đứng tên sở hữu.

Giao dịch ký quỹ chứng khoán

NĐT chỉ được phép mở một tài khoản giao dịch ký quỹ tại công ty chứng khoán (CTCK) nơi mở tài khoản giao dịch CK. CTCK phải quản lý tách biệt tài khoản giao dịch ký quỹ của NĐT với các tài khoản giao dịch khác. CTCK có nghĩa vụ công bố công khai danh mục CK mà công ty thực hiện giao dịch ký quỹ. Trong trường hợp cần thiết, UBCKNN có thể yêu cầu các CTCK tạm ngưng giao dịch ký quỹ. (Trích Thông tư 74/2011)

Cũng theo ông Sơn, việc cho phép NĐT được mở nhiều tài khoản vào thời điểm hiện nay là phù hợp với diễn biến thị trường. Việc này không chỉ khắc phục bất cập về tài khoản giao dịch của các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, tài khoản ủy thác đầu tư, mà còn có cơ sở để hợp pháp hóa các tài khoản giao dịch của NĐT. Khi đó, Sở Giao dịch chứng khoán và UBCKNN cũng dễ dàng theo dõi, kiểm soát và minh bạch hóa các tỷ lệ sở hữu, đặc biệt là sở hữu cổ đông lớn và sở hữu nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp.

Trưởng phòng môi giới một CTCK tại TP.HCM cho rằng quy định này chưa linh hoạt vì khiến NĐT phải theo sát diễn biến của thị trường hơn mới có thể bán trước rồi đặt lệnh mua sau hoặc mua trước rồi mới bán sau. Điều này càng khó thực hiện hơn khi thanh khoản của thị trường vẫn đang ở mức thấp. Tất nhiên, Thông tư 74 đã hợp pháp hóa những hoạt động “chui” trên thị trường nên cũng được xem là điểm tích cực từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Tương tự, ông Johan Nyvene - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC), nhận định mặc dù trên thực tế, một số NĐT sử dụng 2 tài khoản khác nhau để mua bán trong phiên nhưng không phải tất cả mọi NĐT đều thực hiện được. Do vậy, thông tư mới khiến tất cả NĐT đều có quyền và bình đẳng trong giao dịch. Điều đó có thể tác động phần nào làm gia tăng thanh khoản của thị trường trong những thời điểm nhất định.

Vẫn phải chờ giải pháp kỹ thuật

Ngoài việc “hợp thức hóa” giao dịch mua bán CK cùng phiên, Thông tư 74 cũng cho phép các CTCK thực hiện nghiệp vụ giao dịch ký quỹ. Đây thực chất là dịch vụ margin mà các CTCK đã thực hiện từ trước đến nay cho khách hàng của mình. Giải pháp kỹ thuật này cũng chính thức hợp pháp hóa những giao dịch “chui” và là điều cần thiết trong quá trình phát triển của TTCK.

Theo ông Johan Nyvene, nếu các yếu tố kinh tế vĩ mô không xấu thêm thì đây có thể là bước hồi phục ban đầu của TTCK trong năm nay. Tuy nhiên, thanh khoản của thị trường còn phụ thuộc vào nguồn vốn sắp tới, phụ thuộc vào việc các ngân hàng có còn dám cho vay chứng khoán hay không? Bởi nếu tâm lý tốt nhưng tài chính không có thì thanh khoản của thị trường lại sụt giảm. Như vậy, những rủi ro tiềm ẩn cho TTCK vẫn còn đó.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Linh - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Quốc tế, cũng cho rằng thông tin trên tác động tích cực đến tâm lý NĐT. Sau nhiều lần trì hoãn, động thái của Bộ Tài chính đã mang lại phần nào niềm tin cho NĐT. Vì vậy, NĐT cũng đang kỳ vọng vào sự phục hồi của TTCK sau chuỗi ngày giảm mạnh. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng của TTCK là nguồn tín dụng vẫn đang bị cắt từ từ và chưa có khả năng ngân hàng mở cửa trở lại cho thị trường này. Vì vậy, TTCK có phục hồi mạnh trong thời gian tới hay chưa vẫn phải chờ xem những yếu tố khác như lãi suất ngân hàng, lạm phát được kiềm chế.

Mai Phương - Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.