Theo The Guardian, ban đầu phong trào được thành lập với mục đích chống lại ảnh hưởng tôn giáo của Ả Rập Xê Út, quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo dòng Sunni. Song phong trào đã từng bước trở thành thế lực đối đầu với ông Ali Abdullah Saleh, tổng thống đầu tiên của Yemen sau khi hai miền nam, bắc nước này thống nhất năm 1990.
Năm 2003, Mỹ đưa quân sang Iraq, hành động được chính phủ Saleh ủng hộ nhưng bị nhiều người Yemen phản đối. Houthi nhân cơ hội này tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ. Sau nhiều tháng hỗn loạn, lãnh đạo phong trào thiệt mạng vào tháng 9.2004, tuy nhiên Houthi vẫn tồn tại và cánh vũ trang ngày càng lớn mạnh. Năm 2012, làn sóng "Mùa xuân Ả Rập" đã buộc ông Saleh phải từ bỏ quyền lực. Lên thay là Abed Rabbo Mansour Hadi, một người theo Hồi giáo Sunni và từng là phó tổng thống.
Điểm xung đột: Houthi cứng cỏi trước Mỹ; lính Ukraine kinh hoàng ở Kherson
Năm 2014, Houthi bí mật hợp tác với ông Saleh để lật đổ ông Hadi, qua đó giành quyền kiểm soát thủ đô Sanaa và hầu hết các khu vực phía tây bắc Yemen dọc theo biển Đỏ. Không lâu sau đó, lực lượng liên quân do Ả Rập Xê Út dẫn đầu và ủng hộ chính phủ Hadi đã can thiệp vào Yemen, dẫn đến một cuộc nội chiến tàn khốc. Xung đột đến nay đã giết chết hơn 150.000 người. Lệnh ngừng bắn hết hạn vào tháng 10.2022 phần lớn vẫn được duy trì kể từ đó, trong khi các nỗ lực nhằm xây dựng hòa bình lâu dài ở Yemen vẫn chưa có kết quả.
Với chủ trương chống phương Tây và Israel, Houthi coi mình là thành viên của "Trục kháng chiến" do Iran lãnh đạo, cùng với Hamas ở Dải Gaza và Hezbollah ở Li Băng. Tehran công khai ủng hộ Houthi nhưng phủ nhận việc cung cấp vũ khí hay huấn luyện lực lượng này. Mỹ từng coi Houthi là tổ chức khủng bố nhưng chấm dứt việc này vào năm 2021.
Theo The New York Times, Houthi đã nâng cấp đáng kể kho vũ khí trong những năm gần đây, bổ sung tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái tầm xa. The Guardian cho hay phong trào hiện quy tụ khoảng 20.000 tay súng.
Bình luận (0)