TNO

Hủ tiếu bà Năm Sa Đéc

18/03/2014 11:08 GMT+7

Dù thành danh, có tên tuổi nhưng sau năm 1973 do đời sống sân khấu, điện ảnh khó khăn nên bà Năm Sa Đéc đã bươn chải, mở quán hủ tiếu ở Sài Gòn. Tên tuổi của bà bước đầu đã đảm bảo cho quán, nhưng để giữ được chân khách là do hủ tiếu quá ngon.

Dù thành danh, có tên tuổi nhưng sau năm 1973 do đời sống sân khấu, điện ảnh khó khăn nên bà Năm Sa Đéc đã bươn chải, mở quán hủ tiếu ở Sài Gòn. Tên tuổi của bà bước đầu đã đảm bảo cho quán, nhưng để giữ được chân khách là do hủ tiếu quá ngon.

>> Hủ tiếu Sa Đéc chính hiệu ở Sài Gòn
>> Ăn hủ tiếu khô ở Sa Đéc

“Thương hiệu” độc đáo

Thời gian trôi qua cuốn theo nhiều thứ vào quên lãng, nhưng nhắc đến bà Năm Sa Đéc người ta lại nhớ đến hủ tiếu Sa Đéc và ngược lại. Bà Năm Sa Đéc tên thật là Nguyễn Kim Chung, sinh ở làng Tân Khánh Đông, Sa Đéc (nay thuộc xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp). Trong lớp sân khấu đỉnh cao ngày xưa, bà là người tài sắc lưỡng toàn được công chúng mến mộ. Dù thành danh, có tên tuổi nhưng sau năm 1973 do đời sống sân khấu, điện ảnh khó khăn nên bà Năm Sa Đéc đã bươn chải, mở quán hủ tiếu ở Sài Gòn. Tên tuổi của bà bước đầu đã đảm bảo cho quán, nhưng để giữ được chân khách là do hủ tiếu quá ngon.

Hủ tiếu bà Năm Sa Đéc
 Hủ tiếu khô tại một tiệm có lịch sử 100 năm ở Sa Đéc mang lên Sài Gòn - Ảnh: Giang Vũ

Theo ông Nhất Thống, Hội Khoa học lịch sử TP.Sa Đéc, hủ tiếu bà Năm nấu mang đậm hương vị quê nhà Sa Đéc. Sợi bánh mềm mà không bở, cũng không dai, vị bánh không chua, hương bánh thơm mùi gạo mới, trắng tươi màu sữa. Có người kháo nhau rằng, bánh hủ tiếu được bà Năm lấy từ làng bột Tân Phú Đông (Sa Đéc) mỗi ngày, do cánh xe đò Sa Đéc - Sài Gòn chuyển tới. Người ăn có thể gọi hủ tiếu thịt hoặc hủ tiếu xương tùy thích, mà xương hay thịt thì cũng mềm và có mùi thơm đặc biệt không như những nơi khác. Cái mùi thơm ấy là do "tay nghề" của bà Năm khi chế biến và đun nấu nồi nước lèo ở nhiệt độ thích hợp. Khi tô hủ tiếu được bưng ra, mùi thơm ngào ngạt, thực khách có thể gia giảm nào là nước mắm, nước tương, dấm đỏ, chanh, ớt, giá nhúng nước sôi hay giá sống mà vẫn không đánh mất hương vị độc đáo của tô hủ tiếu Sa Đéc chính hiệu này. Nhờ quán có doanh thu mà chồng bà là học giả Vương Hồng Sển an tâm nghiên cứu, khảo cứu.

 Hủ tiếu bà Năm Sa Đéc 2
Hủ tiếu khô tại Sa Đéc - Ảnh: Chí Nhân

Quán hủ tiếu ấy sau năm 1975 tồn tại được một thời gian. Bây giờ, quán vẫn còn đó nhưng đã đổi chủ. Tiếc thay, bà Năm mất thì con cháu không ai nối nghiệp để duy trì và phát triển cái "thương hiệu" độc đáo giữa một thành phố sôi động văn hóa ẩm thực.

Thế nhưng ngày nay, đi ngang qua P.An Hòa (TP.Sa Đéc), du khách và người dân bản xứ hay gặp một tiệm bánh với bảng đề tên khá to “Hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc”. Không lẽ con cháu bà quay lại nghiệp xưa? Đem chuyện này hỏi những người nghiên cứu ở Sa Đéc thì được biết chủ kinh doanh và bà Năm Sa Đéc chẳng có quan hệ gì nhau, nhưng lúc trước do mến mộ tên tuổi bà nên mở quán bán bánh hủ tiếu lấy tên người xưa.

Về nơi đất mẹ

Ông Đinh Công Thanh (78 tuổi, ngụ TP.Sa Đéc) là nhà báo về hưu đang dành sức lực viết sách về cuộc đời các nghệ sĩ tài danh, tài tử xuất thân từ Sa Đéc. Ông kể, vì cùng quê với nhau nên giữa Sài Gòn, ông Thanh và bà Năm có quan hệ hữu hảo, ông gọi bà bằng cô và gọi người con riêng của bà Năm cũng trạc tuổi ông là ông Nguyễn Ngọc Đặng bằng bạn.

Lục lại tư liệu xưa và các bài viết do bản thân thực hiện về bà Năm Sa Đéc, ông Thanh nói bà Năm là con của ông Nguyễn Văn Tam, người lập gánh hát bội đầu tiên ở Sa Đéc mang tên Thiện Tiền Ban ra đời vào năm 1915. Lúc 7 - 8 tuổi, bà Năm mê hát lắm, đêm nào bà cũng được anh cõng đi coi hát rồi bập bẹ theo. Cho nên sau này bà bước vào nghiệp sân khấu được cha mẹ đồng ý chứ không nặng thành kiến “xướng ca vô loài”. Chồng trước của bà Năm là đốc phủ sứ tên Ch. và 2 người có con riêng là Nguyễn Ngọc Đặng. Ông Thanh ngậm ngùi, bà tài danh, hương sắc vẹn toàn nhưng cuộc sống chung quy vẫn có những khổ tâm, nỗi buồn riêng khó thổ lộ.

Hủ tiếu bà Năm Sa Đéc 3
Bà Năm Sa Đéc và học giả Vương Hồng Sển - Ảnh: tư liệu

Ông Thanh kể tiếp, lúc sinh thời ông Đặng hay than phiền ông xin đi theo nghiệp mẹ hát bội, hát cải lương nhưng bà Năm nhất quyết can ngăn. Bà Năm khuyên con hãy lấy bà làm gương, dính vào nghề tổ cả đời khổ tâm, khổ thân. Thế nhưng, do có lẽ máu di truyền nên ông Đặng không làm kép hát được thì đi đóng phim. Ông đã đóng các vai phụ trong các phim như Ván bài lật ngửa, Người đẹp Tây Đô, Ngọn nến hoàng cung... và nhiều vai phụ khác. Ông Thanh nói: “Lúc 50 tuổi, ông Đặng để râu dài tới ngực, nhìn như ông cụ, ngay cả cách đi đứng cũng giống như ông già. Ấy là do ông quá mê nghệ thuật nên bất chấp ngoại hình già nua. Ông Đặng được mời đóng vai ông già hay tiên ông trong các phim ngắn, phim thiếu nhi, phim quảng cáo. Năm 2005, ông bệnh nặng qua đời, một số tạp chí đưa tin với tựa đề: Ông tiên đã về trời”.

Bà Năm mất, thi hài được đưa về đất mẹ. Mộ bà Năm nằm ở phường Tân Khánh Đông, nơi ấy có cháu con chăm sóc. Và làng làm bột Tân Phú Đông vẫn còn kia, các quán hủ tiếu ở Sa Đéc với đủ cách chế biến và giá cả từ thấp đến cao vẫn còn hiện diện ở ngay Sa Đéc. Nhưng nhắc đến hủ tiếu là nhớ đến bà Năm dù bà đã thanh thản đi về cõi bên kia.

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.