Quá trình cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước sắp tới được đánh giá sẽ hình thành làn sóng mua bán và sáp nhập với quy mô có thể lên tới 20 tỉ USD.
Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao cơ hội M&A tại VN - Ảnh: D.Đ.M |
Rất nhiều nhà đầu tư đến từ Mỹ, Nhật và khu vực ASEAN đã có mặt tại Diễn đàn mua bán và sáp nhập (M&A) VN 2014 do Báo Đầu tư và Công ty AVM VN tổ chức hôm qua 7.8 tại TP.HCM để tìm cơ hội đầu tư vào VN.
Cơ hội lớn
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, ước tính giá trị cổ phần hóa khoảng 400 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong hai năm 2014 - 2015 lên đến 1 tỉ USD và đây là cơ hội rất lớn để đón làn sóng đầu tư mới. Ông phân tích: Hiện lãi suất giảm mạnh khiến nhiều người rút tiền ra khỏi ngân hàng và tìm kiếm cơ hội đầu tư và việc cổ phần hóa các DNNN là một trong những cơ hội đó. Cùng quan điểm, ông John Ditty, Tổng giám đốc KPMG VN và Campuchia, nhận xét thêm những điều kiện kinh tế của VN như tốc độ tăng trưởng ổn định, lạm phát được kiềm chế… trong 1 năm tới cũng sẽ là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư thông qua hoạt động M&A. Nhưng để thật sự hình thành nên làn sóng mới, theo ông Ditty, phải chờ vào việc cổ phần hóa các DN lớn như MobiFone, Vietnam Airlines, Vinatex... Bên cạnh đó, nếu Chính phủ giảm bớt và bán bớt vốn sở hữu của mình tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa như BIDV, Sabeco, PV GAS, Bảo Việt… cũng sẽ tạo ra những giao dịch quy mô lớn trên thị trường.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong giai đoạn 5 năm tới, sự phục hồi của nền kinh tế, quá trình cải cách thể chế, chương trình cổ phần hóa nhiều DNNN quy mô lớn… sẽ hình thành nên một làn sóng M&A thứ hai tại VN, với quy mô có thể lên tới 20 tỉ USD.
Vẫn còn nhiều cản trở
Ông Ditty khẳng định trong thời gian tới, các lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất vẫn là hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm, nông nghiệp và bán lẻ. Trong khi đó, ông Bùi Huy Thọ - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nhận xét: hoạt động M&A trong ngành ngân hàng thời gian tới sẽ phát triển, nhất là trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Công ty Recof, chuyên tư vấn hỗ trợ M&A, Masataka Sam Yoshida cho biết doanh nghiệp Nhật đánh giá rất cao về tính ổn định của kinh tế VN và sự bùng nổ của tiêu dùng trong nước… nhưng cũng còn không ít vấn đề gây cản trở quá trình M&A thành công. Đơn cử như việc nhiều doanh nghiệp VN ít công bố thông tin hay thông tin không đầy đủ; phía VN thường xuyên thay đổi các cam kết khi thỏa thuận trong khi phía Nhật lại nhất quán ngay từ đầu... Đặc biệt nhiều doanh nghiệp VN kỳ vọng vào giá trị quá cao trong khi phía Nhật chỉ căn cứ vào giá thị trường.
Mai Phương
>> Các thương vụ mua bán, sáp nhập bất động sản gia tăng mạnh mẽ
>> Sacombank xin chủ trương sáp nhập SouthernBank
>> Xác nhận đề án sáp nhập Sacombank với SouthernBank
>> Cùng Mua và Nhóm Mua sáp nhập
>> Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu khi DaiABank sáp nhập vào HDBank là 1:1
Bình luận (0)