Hứa Vĩ Văn: Tôi hi sinh rất nhiều khi chỉ nhận đóng phim điện ảnh

Phạm Nhật Huy
Phạm Nhật Huy
26/01/2022 19:15 GMT+7

10 năm nay, Hứa Vĩ Văn ngưng nhận phim truyền hình. Anh cũng không đóng kịch, từ chối các lời mời của web-drama, tất cả tâm huyết, đam mê đều được dồn hết cho màn ảnh rộng.

Trong chương trình Cinetalk - Nhìn lại điện ảnh 2021 do Xinê House tổ chức, Hứa Vĩ Văn đã có những chia sẻ, bàn luận từ góc nhìn của một khán giả yêu điện ảnh và từ quan điểm của người làm nghề. Nam diễn viên cho hay dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen xem phim của nhiều người, rút ngắn khoảng cách giữa phim trực tuyến và phim chiếu rạp. Bản thân là người thức thời, khi dịch bệnh cản trở việc ra rạp, nam diễn viên Tiệc trăng máu đã tìm đến truyền hình trả phí để cập nhật các tác phẩm mới nhất cho mình. "Bản thân Hứa Vĩ Văn là một người hoài cổ, thích xem phim ở rạp vì khi đến rạp xem phim, người ta sẽ không bị mất tập trung, đặc biệt còn có sự cộng hưởng từ khán giả khác, như nước mắt hay tiếng cười. Tuy nhiên vì dịch bệnh nên mình cũng thấy được các ưu điểm của OTT (phim và truyền hình được cung cấp qua đường truyền internet tốc độ cao). Những tác phẩm phim kỹ thuật số đã gần đuổi kịp chất lượng ở rạp. Nó cũng giúp kéo dài tuổi thọ các bộ phim chiếu rạp khi có mặt trên đó", nam diễn viên chia sẻ.

Hứa Vĩ Văn chọn không đi nhiều loại hình mà chỉ tập trung vào một mảng

BTC

Anh tâm sự ngay khi rạp phim mở cửa đã lập tức mua vé thưởng thức "bom tấn" Spider Man: No way home và nhận định: "Không khí xem rạp vẫn bình thường, nhưng không đông như trước". Cũng như các khách mời của tọa đàm, tài tử 7X nhận định: "Dịch bệnh làm khán giả dần quen với việc chi một số tiền nhất định để được tiếp cận với nhiều bộ phim chất lượng tại nhà. Đến khi có thể ra rạp như trước, nhiều khán giả bỗng nhiên có sự ngần ngại nhất định, họ khắt khe hơn với các lựa chọn phim để thưởng thức, yêu cầu chất lượng cũng cao hơn. Các nhà làm phim từ đó cũng chú trọng chất lượng khi sản xuất".

Trong thời gian giãn cách xã hội, Hứa Vĩ Văn cũng không tránh khỏi tâm lý hoang mang, lo lắng cho tương lai của phim màn ảnh rộng, sợ nhà đầu tư, nhà sản xuất chuyển sang làm series, không làm phim điện ảnh. Rồi lo ngã rẽ này sẽ đi đến chấm dứt luôn. "Bởi thực tế là trong thời điểm toàn bộ nền phim ảnh đều bị đình trệ, những dự án mới không thể khởi quay, những dự án cũ không thể phát hành, diễn viên tạm thời thất nghiệp, đạo diễn ôm nỗi lo về tương lai, không ai không cảm thấy tương lai mờ mịt, khó khăn vây quanh. Tôi chỉ đóng phim điện ảnh nên càng lo hơn. 10 năm nay tôi không còn nhận phim truyền hình, cũng chưa bao giờ nhận web drama. Lãnh địa đó không phải sở trường của mình, mình đã chuyển qua điện ảnh và chuyên về các dự án đầu tư hơn, kinh phí lớn nên quy mô cũng bự hơn", Hứa Vĩ Văn chia sẻ.

Anh được mệnh danh là "soái ca" màn ảnh Việt nhờ ngoại hình trẻ trung không tuổi

BTC

Việc chỉ đóng phim điện ảnh đã khiến ngôi sao Em là bà nội của anh phải hi sinh rất nhiều thứ, như anh kể: "Thời mới bắt đầu ngưng nhận phim truyền hình, tôi rất chạnh lòng khi thấy đồng nghiệp một tháng có thể chạy 2-3 phim, một năm họ có thể đóng 10 phim. Đó là chưa kể mình đã chọn đi theo con đường là ngôi sao bán vé, lấy tên tuổi để bảo chứng tác phẩm thì phải hi sinh rất nhiều để giữ sức hút, phải hóa thân từ ốm đến mập, già đến trẻ như Trái tim quái vật, và gần đây là Nghề siêu dễ phải đóng vai 60 tuổi, hình ảnh phải thật sạch sẽ và chỉn chu".

Hứa Vĩ Văn tiết lộ nếu một ngày phim điện ảnh không còn thịnh, anh sẽ đóng series truyền hình đầu tư lớn, được chiếu trên các kênh truyền hình trả phí. "Lúc ấy làng phim Việt tuy “dừng lại” nhưng không hề “đứng yên”, một hình thức chuyển hóa giữa phim Việt và phim trực tuyến đã xuất hiện để tiếp tục tiến trình phát triển của điện ảnh".

Hứa Vĩ Văn ngưỡng mộ nền điện ảnh Hàn Quốc bởi kịch bản sáng tạo không giới hạn và đầu tư lớn

BTC

Hứa Vĩ Văn tâm sự rất ngưỡng mộ nền điện ảnh Hàn Quốc. Anh đánh giá sự lớn mạnh của điện ảnh Hàn Quốc được thúc đẩy bởi “tình yêu dân tộc” của người Hàn ngay sau khi đất nước này trải qua cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 1998. Đã có nhiều sản phẩm điện ảnh của Hàn Quốc được sản xuất theo hướng kết hợp giữa nội dung là những câu chuyện thấm đẫm tình yêu đất nước với phong cách làm phim “bom tấn” của Hollywood, hấp dẫn hàng triệu khán giả, tạo ra những “cơn sốt” phòng vé và gây được tiếng vang lớn. Gần đây, bộ phim Ký sinh trùng (Parasite, năm 2019) còn giành bốn “tượng vàng” Oscar, trong đó có hạng mục quan trọng nhất là phim truyện xuất sắc. Sự kiện này càng góp phần khẳng định sự bùng nổ của làn sóng Hallyu trên thế giới. "Họ rất sáng tạo không gò bó, phát huy sức mạnh dân tộc. Mình có thể nhìn vào đó để học tập. Hầu như các phim của tôi đều có hợp tác với đối tác Hàn như Em là bà nội của anh, Tiệc trăng máu, Ống kính sát nhân, Nghề siêu dễ...".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.