Trong thời gian gần đây, Mỹ đã áp đặt các hạn chế rộng rãi đối với việc xuất khẩu chip và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc do lo ngại các thiết bị này có thể sử dụng để nâng cao năng lực quân sự của Trung Quốc. Mặc dù Hà Lan và Nhật Bản, nơi có các nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip lớn (ASML và Tokyo Electron) cũng đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu, nhưng vẫn chưa bằng khi so với các biện pháp nghiêm ngặt nhất của Mỹ.
Không chỉ có vậy, Reuters cho biết Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét một quy định mới sẽ mở rộng thẩm quyền của quốc gia này trong việc chặn xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn từ một số quốc gia nước ngoài cho các nhà sản xuất chip Trung Quốc, ngoại trừ Nhật Bản và Hà Lan.
Giờ đây, trong một lá thư vào ngày 13.8, thượng nghị sĩ Alex Padilla và đại diện Zoe Lofgren bày tỏ lo ngại các biện pháp kiểm soát tiếp theo có thể gây hại cho các công ty lâu đời của Mỹ, lưu ý rằng các đồng minh của họ đã không áp dụng các hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt tương tự. Họ cho rằng điều này có thể gây hại cho các doanh nghiệp Mỹ trong khi lại có lợi cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
"Chúng tôi yêu cầu ngài tạm dừng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đơn phương bổ sung cho đến khi ngài có đủ bằng chứng chứng minh các biện pháp kiểm soát đó sẽ không gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn tiên tiến và thiết bị sản xuất bán dẫn", các nhà lập pháp đã viết thư cho Alan Estevez, người giám sát các biện pháp kiểm soát xuất khẩu tại Bộ Thương mại.
Bức thư này phản ánh sự phản đối ngày càng tăng trong số những người theo Đảng Dân chủ tại California đối với các chính sách hạn chế bán dẫn của chính quyền Tổng thống Joe Biden. California là nơi có các công ty thiết bị sản xuất chip hàng đầu như LAM, Applied Materials và KLA.
Vào tháng 4, Thống đốc bang Gavin Newsom và thượng nghị sĩ Padilla cũng đã thúc giục chính quyền đảo ngược quyết định hủy bỏ chương trình trợ cấp cho nghiên cứu và phát triển bán dẫn, một chương trình dự kiến sẽ có lợi cho Applied Materials.
Trong bức thư vào tháng 8, Padilla và Lofgren đã làm rõ rằng họ không yêu cầu hủy bỏ các hạn chế đối với Trung Quốc mà lo ngại về các quy tắc mới có lợi ích đáng ngờ cho an ninh quốc gia khi các đồng minh của Mỹ không áp dụng các biện pháp tương tự.
Mặc dù Huawei không được nêu đích danh nhưng rõ ràng một số quan chức Mỹ đang kêu gọi nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu, đây là thông tin có lợi cho Huawei, vốn được xem là "ông lớn" tại Trung Quốc.
Bình luận (0)