Huế "vô địch"
Với 6 món lọt danh sách Các món ẩm thực VN tiêu biểu giai đoạn 1, Thừa Thiên-Huế tạm là "nhà vô địch" với các món: bún bò Huế, chè bột lọc bọc heo quay, cơm hến, bánh lọc, vả trộn hoa màu chay và cơm hấp lá sen chay. Danh sách Các món ẩm thực VN tiêu biểu giai đoạn 1 do Hiệp hội Ẩm thực VN (VCCA) công bố và trao chứng nhận ngày 29.9 tại Hà Nội. Dự kiến, VCCA sẽ tiến tới tìm kiếm 1.000 món ẩm thực VN tiêu biểu.
Địa phương có số món tiêu biểu nhiều thứ hai trong đợt này là TP.HCM với 5 món gồm: cơm tấm Sài Gòn, bánh mì Sài Gòn, lẩu mắm, món cuốn Sài Gòn và mì xào giòn. Hà Nội về đích thứ ba với 4 món ẩm thực lọt vào danh sách, gồm: phở Hà Nội, bún ốc (bún ốc nguội, bún ốc nóng), cốm làng Vòng (bánh cốm, chè cốm, xôi cốm, chả cốm) và bún thang. Một địa phương khác cũng đứng ngang hàng Hà Nội là Bình Định với 4 món: rượu Bàu Đá Bình Định, nem chợ huyện Bình Định, bánh ít lá gai Bình Định và chả ram tôm đất.
Ban tổ chức cho biết, danh sách Các món ẩm thực VN tiêu biểu giai đoạn 1 gồm 121 món. Trong số này, có 47 món miền Bắc, 37 món miền Trung và 37 món miền Nam. Danh sách được lựa chọn từ 421 đề cử được gửi đến từ 60/63 tỉnh thành trên khắp cả nước. Các nhà khoa học trong lĩnh vực văn hóa lịch sử, công nghệ thực phẩm, kinh tế cùng các nghệ nhân ẩm thực đã lựa chọn danh sách rút gọn 121 món nêu trên.
"Cũng có những món chưa được lọt vào danh sách nhưng không phải do không ngon hay kém mà do hồ sơ chưa hoàn thiện. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, chúng tôi sẽ xem xét tiếp", ông Lê Tân, Phó chủ tịch VCCA, cho biết. VCCA cũng mong muốn địa phương xây dựng kế hoạch để tiếp tục phát triển, lan tỏa sâu rộng hơn nữa giá trị văn hóa ẩm thực qua các món đã được chứng nhận, cũng như thúc đẩy ẩm thực địa phương.
Ẩm thực liên tỉnh, ẩm thực ra thế giới
Như vậy, với danh sách đầu tiên được xét duyệt trong 1 năm, mới chỉ có 12% số món ăn được tìm thấy so với 1.000 món ăn tiêu biểu mà VCCA muốn công bố. Do đó, dự án vẫn còn tiếp tục kéo dài, có thể sẽ tới 10 năm. Mặc dù vậy, ở giai đoạn 2, VCCA vẫn tiếp tục hỗ trợ các địa phương hình thành hệ sinh thái văn hóa ẩm thực. Hệ sinh thái này gồm các món ăn, các nguồn nguyên liệu, nghệ nhân. Trên cơ sở đó, VCCA sẽ thực hiện truyền thông, quảng bá trên bình diện quốc gia và quốc tế; nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, dinh dưỡng và kinh tế để phát triển du lịch ẩm thực địa phương.
Đặc biệt, VCCA sẽ hỗ trợ chuyển đổi số các hoạt động văn hóa ẩm thực địa phương trên cùng một nền tảng bản đồ, bảo tàng văn hóa ẩm thực VN (dạng bảo tàng ảo). Hiện tại, chúng ta có lẻ tẻ một số bản đồ ẩm thực địa phương nhưng mới dừng ở các bản thiết kế đơn giản dạng tờ rơi hoặc quyển với số trang rất ít, thậm chí là dưới 10. Bảo tàng ẩm thực cũng chỉ lác đác nhưng quy mô nhỏ và chưa có sự thu hút mạnh mẽ. Bảo tàng ẩm thực ảo với dữ liệu toàn quốc chưa có. Chính vì thế, hai mục tiêu bảo tàng ẩm thực và bản đồ ẩm thực số là đích đến được nhiều người kỳ vọng.
TS Nguyễn Thu Thủy, Khoa Các khoa học liên ngành (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng việc xây dựng định hình hệ sinh thái văn hóa ẩm thực VN, hệ sinh thái văn hóa ẩm thực địa phương, là một công việc sẽ kéo dài nhiều năm. Mặc dù vậy, đây là một định hướng đáng được kỳ vọng, vì trước đây chúng ta từng thiếu quyết đoán và do đó mất cơ hội xây dựng thương hiệu "Bếp của thế giới" vào tay Thái Lan. "Nên tập trung làm và tăng tốc nếu có thể để có danh sách các món tiêu biểu sớm hơn. Các dữ liệu cũng cần cập nhật thường xuyên", TS Thủy nói.
TS Thủy cho rằng các hồ sơ món ẩm thực tiêu biểu cần được tập hợp dữ liệu và xây dựng thành những sản phẩm đa dạng, đặc biệt là phải vô cùng dễ hiểu, dễ tiếp cận. "Làm thế nào để khi gõ tên một món ngon người ta có thể biết cả món đó có hàng quán nào chế biến thật ngon, đường đi đến chỗ ăn món đó ra sao, có thể đi tuyến xe buýt nào, giá cả bao nhiêu. Thông tin được triển khai ở dạng đó mới có ích cho du khách", TS Thủy nói.
Bình luận (0)