Theo nghị quyết, Huế là thành phố trực thuộc T.Ư trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 4.947,11 km2 và quy mô dân số 1,2 triệu người của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nghị quyết có hiệu lực từ 1.1.2025.
TP.Huế giáp Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, giáp Lào và biển Đông. Như vậy, cùng với Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Huế là thành phố thứ 6 trực thuộc T.Ư.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TP.Huế bảo đảm có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với nghị quyết này.
Cũng theo nghị quyết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh tỉnh Thừa Thiên - Huế được đổi tên để hoạt động với tên gọi TP.Huế.
Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (TP.Huế sau khi nghị quyết có hiệu lực) được giao tổ chức thi hành, sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.
Trường hợp HĐND quận thuộc TP.Huế không đủ 2/3 tổng số đại biểu được bầu theo quy định thì Thường trực HĐND TP.Huế chỉ định quyền Chủ tịch HĐND quận.
Kỳ vọng của người dân cố đô khi Huế trở thành 1 trong 6 thành phố trực thuộc trung ương
Tính từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành, ngoài các chế độ, chính sách đối với thành phố trực thuộc T.Ư, các cơ chế, chế độ, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn tiếp tục được thực hiện trên địa bàn TP.Huế cho đến hết giai đoạn áp dụng hoặc đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Báo cáo tiếp thu, giải trình, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về ý nghĩa hết sức quan trọng thành lập TP.Huế, ghi nhận và đánh dấu thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị của cả nước.
Việc thành lập TP.Huế trực thuộc T.Ư không chỉ tạo sự chuyển dịch về không gian đô thị, không gian kinh tế, tạo động lực phát triển mới cho địa phương mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đặc biệt, bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế để thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nghị quyết, kết luận quan trọng khác của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị.
TP.Huế được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận. Do đó, về nguyên tắc sẽ không nhấn mạnh yêu cầu về tỷ lệ đô thị hóa mà tập trung nhiều hơn đối với chất lượng và tính bền vững trong phát triển đô thị.
Bình luận (0)