|
|
Ngày 12.2 vừa qua, tại thành phố Huế đã chính thức diễn ra lễ khánh thành công trình chiếu sáng mỹ thuật Kỳ Đài, còn gọi là Cột cờ, nằm ở giữa mặt nam của Kinh thành Huế, là di tích kiến trúc có từ thời nhà Nguyễn (năm 1807).
Kỳ Đài gồm hai phần: đài cờ ba tầng cao khoảng 17,5 m và cột cờ cao 37 m. 1.000 đèn Led được bố trí bao bọc xung quanh và xuyên suốt Kỳ Đài Huế đã được thi công theo công nghệ hiện đại để thắp sáng, tạo nên một quảng trường văn hóa mỗi đêm theo trục Kỳ Đài - quảng trường Ngọ Môn phục vụ du khách tham quan, ngắm cảnh. Bên cạnh đó, sắp tới thành phố sẽ tái hiện tổ chức bắn đại bác trên Kỳ Đài để du khách đến với Huế có cơ hội thưởng ngoạn một trong những hoạt động thời xưa của vua Nguyễn. Đại diện UBND TP.Huế thông tin có thể sẽ làm theo kiểu phun lửa bằng dầu thật từ các khẩu đại bác được đặt trên Kỳ Đài tạo sự thú vị cho du khách.
Là đơn vị đề xuất cũng như đầu tư toàn bộ chương trình thắp sáng Kỳ Đài, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel nhận định Huế có một bề dày văn hóa sâu và nét hấp dẫn rất tinh tế. Trước đây, người dân khắp các tỉnh thành nhắc đến miền Trung là nghĩ ngay đến Huế. Tuy nhiên, từ khoảng 10 - 15 năm trở lại đây, sự thay đổi “ghê gớm” về kết cấu sản phẩm du lịch đã khiến Đà Nẵng, Hội An “giành” mất sự ưu ái của khách du lịch khi đến miền Trung. Trong khi đó, Huế vấn thế, vẫn không thay đổi, khiến hình ảnh cố đô cứ thế cũ dần đi, kém hấp dẫn hơn. “Với tầng văn hóa vật thể và phi vật thể dày như vậy, đây là một sự lãng phí rất lớn”, ông Kỳ nói.
Theo ông Kỳ, một trong những “nhược điểm” đầu tiên và cũng là cản trở lớn nhất trong việc phát triển du lịch Huế đó là vấn đề về ánh sáng. Huế về đêm quá tối, chỉ có ánh sáng từ Ngọ Môn nhưng cũng mới được chiếu sáng gần đây nhưng vẫn hạn chế. Chính sự “u tối” này khiến các sản phẩm du lịch chỉ được khai thác vào ban ngày, ban đêm hầu như không có gì. Vì thế mà khách du lịch đến Huế thời gian lưu trí rất ngắn, thành phố không thu được lợi từ các dịch vụ du lịch.
“Kỳ Đài án ngữ mặt tiền sông Hương, tất cả mọi người đi lại từ mọi hướng đều có thể nhìn thấy. Thắp sáng Kỳ Đài sẽ làm sáng cả một khu vực. Bước tiếp theo là kết nối với Ngọ Môn hình thành quảng trường văn hóa phục vụ tất cả nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân, sân khấu hóa toàn bộ hình ảnh Huế, tạo điểm nhấn níu chân du khách. Tạo ra hình ảnh Huế về đêm tràn ngập ánh sáng cũng chính là kỳ vọng về một tương lai tươi sáng, phát triển xán lạn, xứng tầm với tiềm năng của Huế”, ông Kỳ cho hay.
…để Huế tràn sức sống
Nhắc đến Huế, người ta nghĩ đến không gian trầm mặc, lãng mạn, mọi chuyển động cứ chậm rãi, nhẹ nhàng như dòng chảy của sông Hương. Tính chất không gian này cũng ăn sâu vào văn hóa, tạo nên tính cách con người Huế nhẹ nhàng, điềm đạm. Nhưng dưới con mắt “nhà nghề”, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng ẩn sâu trong Huế còn sức trẻ, sức khỏe, sự sống động cần được khai thác. Ông nói Huế không chỉ là mảnh đất của những người có tuổi. Ở đây có đến 5 trường đại học chuyên nghiệp với hàng chục nghìn sinh viên năng động, trẻ trung đang từng ngày muốn cống hiến, đóng góp sức trẻ cho quê nhà. Nếu đầu tư, khai thác tốt từ khối này sẽ tạo nên một hình ảnh mới, sức sống mới cho Huế. Vậy để tiếp nhận được sức trẻ đó, ngay bản thân Huế cũng cần thay đổi, sống động, sôi nổi hơn.
Ông Kỳ cho hay, sau khi Huế đã “sáng”, bước tiếp theo trong chuỗi dự án là đầu tư chuyển đổi hệ thống sản phẩm du lịch của Huế. Trong khi bờ bắc Kỳ Đài là không gian văn hóa nghệ thuật đặc sắc thì phía bờ nam sẽ thiết kế chợ đêm, hình thành phố đi bộ rộn ràng, sôi động, gia tăng dịch vụ, kích thích chi tiêu của du khách.
Không chỉ ở các hoạt động văn hóa, dich vụ vui chơi giải trí, với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Kỳ còn đặt mục tiêu biến cố đô trở thành kinh đô văn hóa ẩm thực VN. “Sẽ có một kế hoạch xây dựng toàn bộ hệ thống nhà hàng, trường đào tạo về ẩm thực, văn hóa ẩm thực, khu vực thưởng lãm và bảo tàng văn hóa ẩm thực VN ở Huế. Chuỗi dự án “Huế - Sáng và Sống” cũng chính là bước đệm để Huế sẵn sàng với cương vị hoàn toàn mới mẻ này”, ông Kỳ nói.
“Nhận thức được vai trò của mình trong việc đẩy mạnh nền du lịch nước nhà, Vietravel luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương tại các tỉnh, thành, khai thác tối đa tiềm năng du lịch tại chỗ trên cơ sở tái tạo những sản phẩm độc đáo khác biệt mang đến sự trải nghiệm mới lạ cho du khách cũng như tôn tạo, gìn giữ nét đẹp bản sắc văn hóa riêng biệt của từng vùng miền. Đây cũng là định hướng để công ty triển khai nhân rộng các dự án khai thác, quảng bá du lịch ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước”, Chủ tịch HĐQT Vietravel nhấn mạnh.
Georgia chuyện chưa kể
Chấm nhỏ xíu trên bản đồ vùng Tây Nam Á - Georgia - cái tên khi nhắc đến vẫn thường bị nhầm với 1 bang ở “xứ sở cờ hoa” Mỹ, là 1 nước nhỏ bé ở vùng Tây Á với những ngọn núi trùng điệp, những tòa lâu đài kỳ bí và nền văn hóa đặc sắc mang tên “con đường tơ lụa” từ thời xưa. Mặc dù thuộc châu Á nhưng nét văn hóa nơi đây rất “Âu” với phong cách kiến trúc đậm chất Gothic (kiến trúc Pháp) và Eclectic (chiết trung), các món ăn mang màu sắc Địa Trung Hải, những cung điện, thánh đường và cả những lâu đài tuyệt mỹ. Thủ đô Tbilisi - một trong những thành phố cổ nhất thế giới là sự kết hợp tuyệt vời giữa vẻ đẹp của thiên nhiên đan xen với nét mộc mạc, cổ kính của các khu phố cổ. Nằm trên “con đường tơ lụa” nổi tiếng, Tbilisi có nền văn hóa đa dạng, đa sắc tộc. Bên cạnh nét trùng điệp được vẽ nên từ dãy Caucasus hay thành phố của tình yêu Sighnaghi lãng mạn, Georgia còn được biết đến là thánh đường của rượu vang, nơi khai sinh ra loại rượu được ưa chuộng trên khắp thế giới. Hành trình Azerbaijan - Georgia (7 ngày) được tổ chức đầu tiên ở VN với mức giá từ 41,99 triệu đồng sẽ đưa bạn khám phá hết những điều còn bí ẩn ở vùng đất tuyệt vời này mà không gặp bất cứ trở ngại gì về visa, việc đặt vé máy bay hay dịch vụ.
H.Mai
|
Bình luận (0)