Hướng dẫn phân biệt 2 loại huyết áp thấp

An Dy
An Dy
10/05/2022 11:08 GMT+7

Tôi thường xuyên bị tụt huyết áp, huyết áp thấp nên có khi người lẩy bẩy, hoa mắt, chóng mặt, ù tai... Tôi phải làm gì khi bị như thế? Cách xử lý và phòng ngừa đối với chứng này ra sao? ( N.V.P , nữ, 38 tuổi, ngụ Khánh Hòa)

Bác sĩ (BS) Huỳnh Đình Lai, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng, trả lời:

Khi bạn thấy choáng váng, xây xẩm mặt mày, ù tai... thì chưa chắc là huyết áp thấp mà khả năng là một số bệnh lý khác, đặc biệt là rối loạn tiền đình. Quan trọng nhất, huyết áp thấp phải được khẳng định bằng chỉ số từ máy đo huyết áp với chỉ số dưới 90/60 mmHg (ảnh), tùy vào cơ địa của mỗi người.

shutterstock

Trong trường hợp xác định huyết áp thấp thì bắt buộc chỉ số huyết áp phải thấp dưới 90/60 mmHg, sau đó là đến các triệu chứng. Theo cơ chế, khi huyết áp thấp thì áp lực bơm máu lên não yếu, bệnh nhân (BN) cảm thấy xây xẩm, chóng mặt, hai mắt tối sầm, đứng không vững. Lúc này, nếu BN ở tư thế ngồi hay đứng thì phải nằm xuống, để huyết áp cao lên trở lại, đưa máu lên não dễ hơn.

Huyết áp thấp được chia ra làm 2 loại, là huyết áp thấp mạn tính và huyết áp thấp cấp tính để có cách xử lý phù hợp và kịp thời.

Huyết áp thấp mạn tính

Theo đó, huyết áp thấp mạn tính cần được khám và xác định rõ nguyên nhân như thiếu máu mạn tính, BN bị các bệnh lý về suy các tuyến nội tiết, như suy giáp, suy tuyến thượng thận... Khi đó, hormone tiết ra không đủ khiến chức năng của tim và các tạng khác bị suy giảm, gây ra chứng huyết áp thấp.

Ngoài ra, với người lớn tuổi, cần xác định tình trạng xơ vữa động mạch, tức là tính chất đàn hồi của động mạch giảm. Ở tư thế đứng, hay thay đổi tư thế đột ngột, có thể khiến huyết áp có xu hướng tụt, còn gọi là hạ huyết áp tư thế, dẫn đến chóng mặt, choáng ngã.

Nếu BN ở tuổi trung niên thì cần xác định các nhóm nguyên nhân khác như dùng các loại thuốc điều trị bệnh mạn tính, các loại thuốc nam dược, đông dược, tây dược khiến mạch máu giãn ra, dẫn đến chỉ số huyết áp thấp xuống.

Những nguyên nhân mạn tính khó có thể gây tử vong, mà chỉ khiến BN thấy khó chịu. Bạn cần đến BS khám và xác định nguyên nhân, triệu chứng để điều chỉnh thì tình trạng bệnh lý sẽ được giải quyết. Cần thiết sẽ làm những xét nghiệm cao cấp hơn như CT, MRI, siêu âm tim, điện tâm đồ, xét nghiệm công thức máu… để đánh giá chức năng nội tiết và xử lý sẽ hết.

Đối với những trường hợp trên, nếu do thiếu máu, BS sẽ bổ sung sắt, khuyên BN ăn những thức ăn bổ máu như thực phẩm có màu đỏ đậm, thịt đỏ, trứng gà, hải sản... Với nhóm suy giáp thì phải bù thêm hormone tuyến giáp cho người suy giáp, suy tuyến thượng thận. Hạ canxi gây tụt huyết áp thì bổ sung canxi, ăn hải sản... BN cần điều chỉnh chế độ ăn có đủ các nhóm dinh dưỡng cần thiết. Phải kiên trì vận động, tập luyện nhẹ với các tư thế phù hợp.

Huyết áp thấp cấp tính

Loại thứ hai - huyết áp thấp cấp tính, nghĩa là chỉ mới xảy ra vài lần. Tuy nhiên, đe dọa đến tính mạng BN thường nằm trong nhóm này.

Huyết áp thấp cấp tính thường gặp trong một số bệnh cảnh khác như BN bị nhiễm trùng, nhiễm độc. Khi đó, vi trùng gây giãn các mạch máu, gây tụt huyết áp, còn gọi là choáng nhiễm trùng. Hay BN bị ngộ độc thức ăn, nôn mửa, tiêu chảy do mất nước, thể tích tuần hoàn thấp thì huyết áp cũng thấp đột ngột.

Huyết áp thấp cấp tính còn xuất hiện khi BN dùng các loại thuốc điều trị bệnh lý mạn tính quá liều, các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim... Những nguyên nhân cấp tính, đột ngột này sẽ làm cho BN rất khó chịu, choáng nặng... cần xử lý nhanh. Các phương pháp y khoa cần thiết lúc này sẽ là truyền dịch, bù nước, dùng các loại thuốc đối kháng, dùng kháng sinh chống nhiễm trùng. Chỉ cần điều trị dứt khoát trong một vài ngày sẽ nâng huyết áp lên.

Lưu ý, huyết áp thấp cấp tính còn rất nguy hiểm nữa là tình trạng dị ứng nặng dẫn đến sốc phản vệ, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử lý cấp cứu.

Với trường hợp của bạn thì cần được đo huyết áp thường xuyên để xác định, và khám để xác định có phải huyết áp thấp mạn tính hay không (phân biệt với rối loạn tiền đình có các triệu chứng chóng mặt, ù tai, nôn mửa nhưng chỉ số huyết áp bình thường).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.