Bị huyết áp thấp, phải làm gì?

Thiên Lan
Thiên Lan
02/05/2020 18:24 GMT+7

Đừng để huyết áp hạ thấp quá vì sẽ nguy hiểm. Mọi người thường chỉ chú ý đến huyết áp cao do có thể dẫn đến bệnh tim. Nhưng ít ai quan tâm đến huyết áp thấp.

Ít người biết rằng, huyết áp thấp sẽ ngày càng nặng hơn theo thời gian, theo Hindustan Times.
Vậy, liệu có nên lo lắng khi bị huyết áp thấp? Câu trả lời là có, chắc chắn! 
Thay vì hoảng loạn, chỉ cần vài thay đổi nhỏ trong lối sống là có thể tránh được nguy hiểm do huyết áp thấp. 
Bác sĩ Nimit Shah, chuyên gia tư vấn tim mạch, từ Bệnh viện Sir H.N.Reliance (Ấn Độ) sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này và chia sẻ các mẹo để kiểm soát chứng bệnh này, theo Hindustan Times.
Triệu chứng của huyết áp thấp là gì?
Theo bác sĩ Shah, huyết áp thấp là huyết áp ở mức thấp đến độ không đủ để đưa máu đến các cơ quan trong cơ thể. Huyết áp thấp có thể biểu hiện bằng các triệu chứng như xây xẩm, chóng mặt và thậm chí ngất xỉu, quá khát nước, thở không đủ hơi, mệt, đau ngực và buồn nôn.

Điều gì gây hạ huyết áp?

Nguyên nhân là do giảm thể tích máu, bệnh tim và do uống thuốc.
Bạn sẽ sốc khi biết lưu lượng máu chảy đến các cơ quan trong cơ thể không đủ, có thể gây ra đột quỵ, đau tim, suy thận và thậm chí là sốc, theo bác sĩ Shah.
Có thể kiểm soát huyết áp thấp không?
Rất may là có thể kiểm soát bằng cách thực hiện một vài thay đổi trong thói quen hằng ngày.
Bác sĩ Shah chỉ ra 5 mẹo sau để kiểm soát huyết áp thấp:

1. Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng

Cơ thể không hấp thu đủ vitamin B12, a xít folic và sắt, có thể gây thiếu máu. Do thiếu các chất này, cơ thể không thể tạo đủ máu, gây thiếu máu, dẫn đến hạ huyết áp, bác sĩ Shah cho biết.
Cần phải ăn trái cây và rau quả tươi. Hạn chế lượng tinh bột và ăn nhiều bữa nhỏ để ngăn ngừa huyết áp giảm đột ngột.

2. Hỏi ý kiến bác sĩ để tăng lượng muối tiêu thụ

Sau khi hỏi ý kiến bác sĩ, nên ăn hơi mặn một chút. Bác sĩ Shah khuyên rằng, hàm lượng natri trong muối có thể giúp kéo mức huyết áp lên cao. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nên ăn những gì và tránh những gì, cũng như lượng muối thích hợp với bạn là bao nhiêu, theo Hindustan Times.

3. Tránh xa rượu

Rượu có thể dẫn đến mất nước và gây huyết áp thấp, chưa kể nhiều tác hại khác.

4. Giữ nước

Thật sai lầm nếu không uống đủ nước. Mất nước có thể dẫn đến huyết áp thấp. Vì vậy, hãy tăng lượng nước ngay lập tức. Khuyến cáo nên uống ít nhất 2-3 lít nước mỗi ngày, nếu không bị bệnh tim hoặc thận yếu.

5. Tập thể dục nhẹ nhàng

Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng để tăng cường lưu thông máu. Đi bộ hoặc yoga có thể hữu ích.
Hãy chăm sóc sức khỏe và giữ liên lạc thường xuyên với bác sĩ để vẫn ổn định sức khỏe ngay cả khi huyết áp bị hạ, theo Hindustan Times.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.