Cần nhìn lại về cách ăn uống và giao tiếp

30/04/2020 04:18 GMT+7

Trong đại dịch Covid-19 , một số thói quen trong ăn uống, sinh hoạt và giao tiếp thường ngày đã biểu lộ một số hành vi không còn phù hợp với các tiêu chí vệ sinh an toàn cho sức khỏe cá nhân và cộng đồng.

Theo tập quán của người Việt, khi dọn bữa cơm thì đem tất cả các món ăn lên mâm cùng một lúc. Mỗi người được dọn chén đũa riêng, nhưng khi ăn thì cùng gắp chung các thức ăn có trong mâm, dùng chung một chén nước chấm.
Cách ăn uống theo thói quen này đã biểu lộ một số điều ngày nay chúng ta thấy không còn phù hợp với các tiêu chí vệ sinh an toàn cho sức khỏe của từng cá nhân và cả cộng đồng.
Có lẽ đã đến lúc cần phải thay đổi, không chỉ để thể hiện lối sống văn minh mà còn giúp phòng ngừa, làm hạn chế nguy cơ lây nhiễm một số bệnh thuộc hệ tiêu hóa (viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi B, tiêu chảy, giun sán...), hệ hô hấp (các bệnh lây nhiễm vi rút, vi khuẩn), HP...
Vệ sinh an toàn thực phẩm yêu cầu đạt những tiêu chuẩn xử lý, chế biến, bảo quản và lưu trữ thực phẩm bằng những phương pháp phòng ngừa, phòng chống bệnh tật do thực phẩm gây ra, nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người tiêu dùng.

Một vài gợi ý để thay đổi thói quen

- Các dụng cụ ăn uống luôn giữ sạch sẽ, khô ráo. Nếu được, mỗi thành viên trong gia đình nên có bộ dụng cụ ăn uống riêng (đũa, chén, muỗng thìa, ly tách...), có dấu hiệu riêng để dễ tìm.
- Nhà bếp là nơi chế biến, bảo quản thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh, đủ trang bị và các vật dụng phòng chống bụi bẩn, ruồi, gián, côn trùng gây bệnh; có đủ dụng cụ bảo đảm vệ sinh để kẹp, gắp, xúc thức ăn.
- Bàn ăn phải thường xuyên lau chùi, giữ vệ sinh sạch sẽ.
- Nguyên liệu sử dụng phải an toàn, tươi sạch, có nguồn gốc rõ ràng.
- Khi đi chợ, nên sử dụng găng tay.
- Dùng thớt dành riêng cho thực phẩm sống và thớt dành riêng cho thực phẩm chín, để tránh lây nhiễm chéo.
- Nước sử dụng trong ăn uống phải là nước sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
- Rửa tay bằng xà phòng, lau sạch tay trước và sau khi ăn.
- Không ngồi quá sát mâm hay bàn ăn, nhưng cũng không ngồi xa quá.
- Không nói lớn tiếng hoặc cười đùa hoặc ho trong bữa ăn.
- Nên thay đổi thói quen cả nhà dùng chung một chén nước chấm, tốt nhất nên chia mỗi người 1 chén nhỏ.
- Không dùng đũa, thìa của mình để gắp vào tô, đĩa thức ăn chung. Nên có một đôi đũa, thìa, muỗng hoặc kẹp riêng của từng món để lấy thức ăn.
- Không xới xáo vào đĩa thức ăn để chọn miếng mình thích.
- Khi ăn, không nên để thức ăn vương vãi trên bàn ăn.
- Cẩn thận không để tay áo của mình dính vào thức ăn trên bàn khi gắp đồ ăn.
- Không để các vật dụng cá nhân lên bàn ăn, nhất là điện thoại di động.
- Nếu bị cay muốn hắt hơi, thì ra xa để hắt hơi, hỉ mũi vào khăn sạch rồi bỏ vào thùng rác.
- Khi đi ăn tiệc, tránh va chạm tay với người cùng ăn, nếu thuận tay trái thì nói trước để chọn chỗ cho thuận tiện.
- Cần báo trước về việc mình đang ăn kiêng, bị dị ứng một loại thực phẩm nào đó (nếu có) để tránh bất tiện cho người mời.
- Không dùng chung một ly rượu, bia cho tất cả người trong bàn. Nếu không uống được rượu, bia, nên xin phép uống một loại khác để không bị ép buộc.
Mục đích chính của những gợi ý nêu trên là để tránh lây lan dịch bệnh, nhằm bảo đảm chất lượng cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt hơn, lành mạnh và an toàn hơn.
Khi mua thực phẩm về, không nên đặt cả túi ni lông đựng thực phẩm vào tủ lạnh. Vì người bán đã chạm tay vào túi, người mua lại tiếp tục chạm vào, rồi đặt để nhiều chỗ trước khi đem về nhà. Nếu bỏ chung với các thực phẩm khác, sẽ là nguồn lây nhiễm vi rút, vi khuẩn.
Cần rửa sạch sẽ, chế biến, chia thành các túi, hộp nhỏ riêng biệt có nắp kín trước khi đưa vào tủ lạnh và không giữ thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.