Những ngày này, chị Trương Thị Hằng, 34 tuổi, sống tại Hà Nội, hướng dẫn viên tự do 10 năm nay rất lo âu.
Chị Hằng chuyên dẫn khách Pháp (cá nhân hoặc nhóm nhỏ) đi các tour trong nước. Cả hai vợ chồng đều làm trong ngành du lịch, chồng chị Hằng làm lái xe, chị Hằng là hướng dẫn viên. Mùa cao điểm của cả hai vợ chồng chị Hằng là từ tháng 2 đến tháng 9 mỗi năm, các tháng còn lại cả hai vợ chồng đều khá dư dả thời gian, có thể dành cho những dự định riêng.
“Tôi là hướng dẫn viên không thuộc công ty nào. Là phụ nữ, tôi thích làm kiểu tự do, freelancer, có thể đi nhiều hay ít tour tùy mình sắp xếp để có thời gian. Rất khó để tôi ký hợp đồng với một công ty lữ hành nào, bởi nếu họ bắt tôi làm toàn thời gian, đi xa nhà biền biệt, tôi sẽ không thể chăm sóc con nhỏ được”, chị Hằng chia sẻ.
tin liên quan
Hàng ngàn HDV du lịch có nguy cơ thất nghiệpNhững quy định của luật Du lịch 2017 mới có thể khiến cho hàng ngàn hướng dẫn viên thất nghiệp.
Nhật Cường, 30 tuổi, hướng dẫn viên tự do đang sống tại Hà Nội, chuyên dẫn khách nội địa, cho hay anh đã làm công việc này suốt 7 năm qua. “Những quy định trong luật Du lịch 2017 đang khiến tôi hoang mang. Chúng tôi làm việc lâu năm, có kinh nghiệm, có thể dễ dàng được một công ty lữ hành nào đó ký hợp đồng, tuy nhiên, vậy những sinh viên trẻ học du lịch ra, muốn hành nghề hướng dẫn viên, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm làm sao có một hợp đồng lao động với một công ty nào đó?”, anh Nhật Cường nêu ý kiến.
Anh Cường cho biết nhiều hướng dẫn viên trẻ như anh không muốn ký hợp đồng cụ thể với một công ty nào đó bởi điều này tương tự với việc “thắt chặt cái túi tiền và mối quan hệ của mình lại”, anh Nhật Cường ví von.
|
“Khi ký hợp đồng với một công ty, tôi chỉ có thể dẫn khách theo sự phân công của công ty đó thôi, nếu vậy không thể đảm bảo tôi lúc nào cũng có việc, có thu nhập tốt. Các mùa không phải cao điểm trong năm, tôi sẽ thất nghiệp dài thì sao, công ty có đảm bảo cho tôi có việc làm hay trợ cấp thất nghiệp hay không? Nếu làm hướng dẫn viên tự do, tôi có thể dẫn khách cho nhiều công ty, nhiều mối quan hệ hơn, thu nhập sẽ rủng rỉnh hơn”, anh Nhật Cường phân tích.
Anh Đỗ Khả Quân, 22 tuổi, hướng dẫn viên tự do chuyên dẫn khách thăm quan Vịnh Hạ Long, di tích chùa Bái Đính (Ninh Bình) cho hay: “Tôi mới tốt nghiệp đại học, nhờ mối quan hệ với nhiều anh chị hướng dẫn viên du lịch đi trước, tôi được đi theo đoàn làm hướng dẫn viên phụ để học việc. Tôi hy vọng sau khi cứng cáp có thể tự mình dẫn khách, tuy nhiên nếu bắt chúng tôi phải có hợp đồng lao động với một công ty lữ hành, là thách thức với các hướng dẫn viên trẻ, ít kinh nghiệm như chúng tôi”.
Nguyễn Thu Ngân, sinh viên năm 3 ngành Quản trị du lịch, Trường đại học Phương Đông, Hà Nội cũng có những băn khoăn với anh Quân: “Công ty nào cũng đòi kinh nghiệm thực tế mới ký hợp đồng, nhưng nếu không cho chúng tôi làm hướng dẫn viên tự do, thì lấy đâu kinh nghiệm?”.
Phí của Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam có cao?
Hướng dẫn viên du lịch Trương Thị Hằng cho biết, việc luật Du lịch 2017 mở ra 3 “con đường” để hướng dẫn viên đã có thẻ hướng dẫn viên du lịch được phép hành nghề. Một là có hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch, hai là trở thành hướng dẫn viên có hợp đồng lao động của 1 doanh nghiệp lữ hành và ba là trở thành hội viên của Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, chị Hằng băn khoăn với Hội này. “Tôi có biết hội mới thành lập tháng 10.2017, tuy nhiên mức phí được đề nghị làm thẻ hội viên là 500.000 đồng và 1 triệu đồng với phí thường niên, mức phí này khá cao. Hội có trách nhiệm gì? Liệu hội có hoạt động hiệu quả và bảo vệ được quyền lợi của các thành viên như tôi không?”.
|
Theo anh Nhật Cường, hiện tại anh và nhiều bạn bè của anh chưa biết đến Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam. Từ trước đến nay, người làm nghề hướng dẫn viên như anh đều tham gia Câu lạc bộ hướng dẫn viên Việt Nam và Câu lạc bộ hướng dẫn viên miền Bắc trên facebook. Anh Cường cho rằng các nhóm này đều miễn phí, hiệu quả, thiết thực với quyền lợi các hướng dẫn viên.
“Chúng tôi không phải đóng đồng nào cho các câu lạc bộ trên, nhưng qua đây chúng tôi được kết nối với nhiều công ty lữ hành, nhiều nhóm khách hàng, nhiều nhà hàng khách sạn, đại lý mua bán vé máy bay... Theo tôi, nếu Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam không hiệu quả được như các câu lạc bộ trên, thì rất khó để bắt chúng tôi đóng tiền và tham gia”, anh Nhật Cường nêu ý kiến.
"Đừng phức tạp hóa vấn đề"
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty Lửa Việt Tours cho rằng, không nên làm phức tạp hóa các vấn đề trong luật Du lịch 2017. Theo ông Mỹ, Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam thành lập và hoạt động có hiệu quả thì các hướng dẫn viên tự khắc sẽ gia nhập hội.
Ông Mỹ khẳng định, việc hướng dẫn viên có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch là hoàn toàn cần thiết. Bởi như vậy là hoàn toàn tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho cả khách hàng, các hướng dẫn viên cũng như các công ty lữ hành.
“Nếu không có hợp đồng, khi tour có tai nạn xảy ra, ai là người chịu trách nhiệm? Nếu hướng dẫn viên du lịch làm 'chui', tai nạn xảy ra, họ chạy thì khách biết kêu ai? Khi có hợp đồng lao động, quyền lợi, trách nhiệm của người hướng dẫn viên sẽ được đảm bảo hơn. Trong điều kiện cấp bách, lượng khách đến ngày càng nhiều như hiện nay, nhà nước nên cho phép hướng dẫn viên ký hợp đồng thời vụ theo tour đối với các công ty lữ hành”, ông Mỹ nói.
Theo ông Mỹ, trong bối cảnh lượng khách du lịch ngày càng tăng cao, số lượng hướng dẫn viên đang thiếu trầm trọng, các hướng dẫn viên trẻ không nên lo lắng sẽ không được ký hợp đồng làm việc.
“Khi một người được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch là người đó đã phải có đảm bảo những tiêu chí nhất định. Vì vậy, nếu anh chưa được ký hợp đồng lao động, anh phải xem lại bản thân anh, anh có thiếu sót gì, anh cần bổ sung những kỹ năng nào”, ông Mỹ nói.
Theo luật Du lịch 2017 sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, điều kiện hành nghề hướng dẫn viên bổ sung thêm nhiều yêu cầu mới. Ngoài thẻ hướng dẫn viên du lịch, họ phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.
Bên cạnh đó, hướng dẫn viên du lịch phải có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch. Đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.
|
Bình luận (0)